Trong khi vẫn còn là vợ chồng với Khokhlova, Picasso bí mật đi lại với cô nhân tình 17 tuổi Marie-Thérèse Walter và duy trì mối quan hệ ngầm này trong suốt 8 năm. Với mái tóc vàng óng, tính khí ôn hòa và vóc dáng thể thao nhưng hoàn toàn không biết gì về nghệ thuật, Walter đã được bất tử trong hình ảnh của khoái lạc tình dục nóng bỏng bình dị, trong đó chúng ta cảm thấy sự thích thú vô tội của xúc cảm dâm dục của chính cô và sự thỏa mãn hoàn toàn của nghệ sĩ trong mối liên quan đó.
Phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng trong tranh của Picasso.
Nếu như Walter là hình ảnh có ít tính trí tuệ, thì nàng thơ tuyệt vời tiếp theo của Picasso lại là một người đàn bà thử thách Picasso với những khái niệm nghệ thuật của chính ông: Một họa sĩ và nhiếp ảnh gia từng đi theo chủ nghĩa siêu thực nghệ thuật. Lần đầu tiên Picasso gặp Dora Maar người phụ nữ quyến rũ mê hoặc có mái tóc đen bóng qua những chiếc bàn của quán Café aux Deux Magots, đang cầm con dao đâm vào giữa các ngón tay của cô đến bật máu. Picasso đã xin phép cô được giữ đôi găng tay dính máu này và mối quan hệ của họ bắt đầu.
Khi Maar và Walter gặp nhau tại studio, cuộc tranh luận giữa hai người phụ nữ và một người đàn ông sau đó đã biến thành một trận đánh giữa những con mèo, họ lao vào cấu xé lẫn nhau, một cuộc xô xát mà Picasso sau đó đã mô tả như một trong những ký ức về sự lựa chọn căng thẳng của ông.
Maar là người tình của Picasso trong suốt giai đoạn tư tưởng chính trị đi sâu vào những tác phẩm của nghệ sỹ. Sự hỗn loạn trong nội tâm cô được thể hiện trong tác phẩm mang tính biểu tượng "Người đàn bà khóc" (Crying Woman) đại diện cho nỗi đau đớn của Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến.
Khi Picasso bỏ rơi Maar để đi theo Franoise Gilot năm 1943, cô gần như sụp đổ hoàn toàn về tâm lý và quyết định sống ẩn dật như một nữ tu. "Sau Picasso", cô từng nói "chỉ có Chúa." Câu nói đó vẫn còn tiếng vọng cho tới tận bây giờ.
Trường hợp của Gilot là trường hợp đặc biệt trong đó Picasso đã thất bại trong việc lái câu chuyện theo hướng ông mong muốn. Nghệ sĩ trẻ 21 tuổi đầy tham vọng này dường như đã "trừng trị" được sự tàn nhẫn và tính hư hỏng của Picasso. Với sự khôn khéo tuyệt vời bà là người phụ nữ duy nhất tự nguyện bỏ rơi Picasso trong sự nguyên vẹn ít nhiều của phẩm giá.
Cô đã có hai đứa con với Picasso, cả hai đều được sống cuộc sống gia đình tương đối bình thường trong chín năm. Nhưng sự ổn định này có tốt cho nghệ thuật của Picasso hay không lại là vấn đề khác. Người nghệ sỹ đã nắm bắt những nét biểu hiện của Gilot và đưa vào hàng loạt các tác phẩm hội họa cũng như điêu khắc của mình, đưa sự nghiệp của ông lên đỉnh cao của sự nổi tiếng.
Tình yêu lớn cuối cùng của Picasso, người ông đã lấy cảm hứng để đưa vào hơn 400 bức chân dung, là Jacqueline Roque, người trở thành vợ chính thức của danh họa năm 1961. Điểm sắc nhọn của người con gái này là sự tĩnh lặng thận trọng gần như cổ điển gợi nhắc lại thời kỳ xanh (Blue period) của Picasso 70 năm về trước. Và Roque là người phụ nữ mang lại những giây phút thanh thản yên bình cuối đời của Picasso. Dẫu vậy, câu chuyện của cô cũng kết thúc trong bi kịch. Năm 1986, 13 năm sau cái chết của Picasso, cô đã tự tử.
Minh Nguyệt