Câu chuyện của bà Dung (Thái Bình) ly dị chồng khi đã 86 tuổi chỉ vì chồng bà “cả đời không một lần rửa bát” lại được nhắc đến khi 8/3 sắp tới. Là thông điệp: “Việc nhà không của riêng ai” nhưng hơn cả, là phụ nữ ơi, hãy “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”. Bao nhiêu phụ nữ lấy chồng xong là khóa chặt đời mình lại rồi đưa chìa khóa cho chồng giữ, chồng trả khóa cũng không dám mở. Bao nhiêu người phụ nữ chưa đến 40 nhưng đã toan già bằng câu chép miệng: Từng này tuổi rồi, ly dị thì còn lấy ai?
Không! Tôi không khuyến khích phụ nữ ly dị. Là tôi chỉ muốn phụ nữ đừng kết hôn với bất hạnh thôi. Việc nhà cũng không phải là bất hạnh. Thứ khiến phụ nữ bất hạnh không phải là cả đời làm việc nhà vì tôi biết rất nhiều phụ nữ tìm thấy hạnh phúc trong gian bếp của họ.
Nhiều phụ nữ yêu gian bếp nhiều hơn cả phòng ngủ hay phòng làm việc. Thứ khiến phụ nữ bất hạnh là người chồng của họ. Như bà Dung nói trên VNE “Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại”. Là người đầu gối tay ấp của bà đã không hồi đáp với những gì bà đã làm suốt 60 năm qua.
Bất hạnh của một phụ nữ chính là sự nỗ lực của họ không đạt kết quả như họ trông ngóng. Hay lớn hơn, cuộc đời của họ trôi qua một cách lãng xẹt, phục vụ chồng con cả chục năm mà vẫn như sống cô độc, không thấy niềm vui chứ đừng nói là hạnh phúc.
Tôi nghĩ về những người đàn ông như chồng của bà Dung. Không còn vợ phục vụ nữa, họ sẽ phải tự tay làm hoặc kiếm một bà Dung khác, nếu họ có tiền hay khéo miệng. Điệp khúc việc nhà là của phụ nữ vì thế vẫn sẽ tiếp diễn, nó chỉ chuyển từ phụ nữ này sang phụ nữ khác chừng nào vẫn còn những người đàn ông như chồng bà Dung và vẫn còn nhiều phụ nữ coi việc nhà như cách để giữ cuộc hôn nhân tồn tại. Khi mà nhiều người mẹ vẫn dạy con phải biết cơm dẻo canh ngọt để có thể lấy chồng.
Đúng! Nên dạy con cơm dẻo canh ngọt nhưng không phải chỉ riêng con gái và càng không phải là điều kiện để có thể làm vợ. Và đàn ông, dù 3 tuổi hay 30 tuổi cũng nên nghĩ về việc nhà không phải của phụ nữ. Bởi cơm thì cùng ăn, nhà cùng ở, con cái cùng sinh, quần áo cùng mặc, bát đũa cùng dùng… sao phụ nữ thì phải nấu nướng, dọn dẹp, chăm con, giặt giũ, rửa bát? Sao đàn ông xuống bếp là soái ca, đàn ông làm việc nhà là giúp vợ, đàn ông chăm con là người chồng nhân dân?
Sao đàn ông mà mặc tạp dề là đàn ông bám váy vợ? Sao đàn ông làm việc nhà là đàn ông thất thế? Định kiến giới khiến chúng ta nghiễm nhiên gắn giới tính vào từng công việc nhà rồi cho rằng đó là chuẩn mực, ai không theo chuẩn mực là sai hết?
Đàn ông ở đâu cũng vẫn là đàn ông, dù là bếp hay bên chậu rửa bát, cầm chổi quét nhà hay ôm con nấu nướng. Phụ nữ cũng vậy. Đừng gắn mác giới tính cho việc nhà, chăm con. Đừng nói là “giúp vợ” khi mà chính các anh cũng đang ở trong căn nhà đó. Là cùng nhau chứ đừng chỉ là phân công công việc. Bởi phân công công việc chỉ hợp với công sở. Theo đuổi sự công bằng chính là cách nhanh nhất khiến bạn gặp nhiều thất vọng khi sự công bằng không được thực thi.
Hãy theo đuổi sự cân bằng. Là cùng nhau cân bằng mọi thứ trong cuộc sống vợ chồng. Đừng đòi hỏi sự công bằng bởi cuộc đời này chẳng có sự công bằng nào là tuyệt đối cả. Chỉ có sự cân bằng mới khiến chúng ta đổ đầy hạnh phúc vào chính chúng ta mỗi ngày. Một cân bằng đầy dẫu bạn đổ 70% và đối phương đổ 30% nhưng cả 2 cùng hạnh phúc thì đó là hạnh phúc. Bằng 50/50 mà không thấy hạnh phúc thì đó là sự công bằng vô nghĩa, vậy thôi!
Cùng nhau nhé, những phụ nữ hạnh phúc và những đàn ông không "giúp vợ" mà là "Cùng Vợ" nhé!
Nhà văn Hoàng Anh Tú