Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), số ca mắc sốt xuất huyết là phụ nữ mang thai chiếm khoảng 15% tổng số bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết.
Điều đáng lưu ý, đã có 1 trường hợp phụ nữ 26 tuổi mang thai bị sảy thai do sốt xuất huyết tại khoa Truyền nhiễm. Đây là bệnh nhân đầu tiên bị biến chứng do sốt xuất huyết dẫn đến sảy thai trong số gần 40 phụ nữ có thai điều trị tại đây trong 3 tháng qua. Bác sĩ khoa Truyền nhiễm cho hay, trường hợp bị sảy thai mang thai được 4 tuần. Bệnh nhân này nhập viện trong ngày sốt thứ hai nhưng qua khám và xét nghiệm đã thấy dấu hiệu sảy thai.
Các bác sĩ nhận định, trường hợp biến chứng điển hình vì sốt xuất huyết thường nguy hiểm ở giai đoạn đầu mang thai hoặc trong những tuần cuối thai kỳ. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối, sốt xuất huyết dễ làm chảy máu trong lúc sinh nở, dễ dẫn đến rối loạn đông máu.
Trao đổi với báo chí, TS. BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai khuyến cáo khi phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần lưu ý:
1.Nhất thiết khi mang thai cần nhập viện khám và điều trị, tốt nhất là tại bệnh viện có sự phối hợp các chuyên khoa Truyền nhiễm, sản, huyết học, điều trị tích cực;
2.Biểu hiện sốt xuất trên phụ nữ có thai rất khó lường. Do vậy, khi bệnh nhân có thai mắc sốt xuất huyết sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận... hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai nhi để xem có biểu hiện như: Dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không;
3.Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, sốt xuất huyết dễ làm chảy máu, cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho người mẹ và thai nhi.
Cùng chung khuyến cáo với BS.Cường, TS.BS.Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu Sản M, BV Từ Dũ TP.HCM lưu ý thêm, bà bầu mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu mang thai khá nguy hiểm. Vi rút sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ và con, gây ra rối loạn đông máu, nhất là việc giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Bệnh có thể gây sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu.
“Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến thai kỳ do 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai nhẹ cân và có một tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai. Với các bà bầu có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hóa do tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu diễn tiến nặng hơn có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong”, BS.Hà khuyến cáo.
Trước thực trạng nhiều bà bầu lo lắng khi mắc sốt xuất huyết sẽ phải bỏ thai nhi, TS.BS. Hà khẳng định, thông thường bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. Vì thế, khi mắc bệnh, chị em không nên lo lắng thái quá bởi sẽ làm ảnh hưởng đến em bé. Điều quan trọng là phải theo dõi khám thai định kỳ để kiểm tra sức khỏe của thai nhi.
N.Giang