Tỷ lệ mang thai ở tuổi trung niên khá thấp
Độ tuổi sinh sản của phụ nữ tính từ tuổi 15 đến 44. Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm gặp, hầu hết phụ nữ tuổi 45, 50 trở lên khó có thai một cách tự nhiên.
Lý do là sau độ tuổi 45, cơ quan sinh sản và sức khỏe toàn thân của người phụ nữ không còn sẵn sàng cho việc thụ thai, mang thai và sinh nở. Trong đó quan trọng nhất là tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng ở phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Lúc này số lượng trứng có khả năng thụ thai rất thấp.
May mắn là ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học nên phụ nữ 45, 50 tuổi vẫn có thể sinh con được bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm – xin trứng. Như vậy, phụ nữ trên 45 tuổi, thậm chí đã mãn kinh vẫn có thể mang thai, sinh con khỏe mạnh với phôi được tạo thành từ trứng của một người phụ nữ trẻ tuổi (20 – 35 tuổi) khác.
Những rủi ro khó lường khi mang thai ở độ tuổi trung niên
Phụ nữ lớn tuổi khi có ý định sinh con cần biết trước những nguy cơ để chuẩn bị tâm lý, sức khỏe vượt qua bởi chắc chắn rằng quá trình mang thai, sinh nở sẽ vất vả hơn bình thường. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
- Những nguy cơ cho thai phụ:
Nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo.
Gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỉ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỉ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.
Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu
Quá trình mang thai cũng dễ khiến các bệnh mãn tính đã mắc phải trước đó (nếu có) trở nên tăng nặng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai.
- Nguy cơ cho thai nhi:
Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định.
Đối với việc thụ thai thông thường, nguy cơ bé sinh ra chậm phát triển trí tuệ và vận động cao (do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng dễ bị dính vào nhau, gây các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…).
Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên với phương pháp này, trứng được thụ tinh là trứng hiến tặng của người phụ nữ độ tuổi dưới 35, có chất lượng tốt không có nghĩa là con sinh ra chắc chắn khỏe mạnh. Trường hợp này, thai nhi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể, bằng tỷ lệ mắc của thai nhi có mẹ cùng độ tuổi của người cho trứng.
Những điều cần lưu ý khi quyết định mang thai ở tuổi trung niên:
Phụ nữ lớn tuổi cần hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường, tránh sử dụng các chất độc hại trong sinh hoạt nếu có kế hoạch mang thai.
Khi đưa ra quyết định mang thai, phụ nữ lớn tuổi cần đến bác sĩ để kiểm tra tình hình sức khỏe:
- Kiểm tra tính di truyền và xin ý kiến của bác sĩ nếu trong gia đình có người thân bị bệnh di truyền (như máu không đông, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm…) hay bị rối loạn nhiễm sắc thể (bệnh Down), chậm phát triển trí tuệ, mắc các dị tật bẩm sinh hay khuyết tật ống thần kinh… nếu nghiêm trọng sẽ được thông báo về nguy cơ tiềm ẩn.
- Cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp đang bị bệnh mãn tính, hay đang dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Vì một số loại thuốc ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng (như thuốc trị cao huyết áp, thấp khớp, kháng sinh, động kinh…)
Các bác sĩ nhấn mạnh rằng, nếu phụ nữ sinh con khi lớn tuổi, quan trọng nhất là phải bảo vệ được khả năng sinh sản. Người mẹ cần tiến hành tầm soát dị tật, hội chứng Down trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Chính vì những biến chứng thai kỳ dễ xảy ra hơn, phụ nữ trên 45 tuổi sinh con cần được bác sĩ sản khoa theo dõi sát sao quá trình phát triển của thai nhi, cũng như sức khỏe mẹ bầu.
Bá Di (Tổng hợp)