Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, thai phụ nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh ra trẻ mắc bệnh đầu nhỏ, dị tật bẩm sinh cao hơn gấp 20 lần so với những ai mang thai trước thời điểm Zika bùng phát ở châu Mỹ.
CDC đã tiến hành khảo sát về tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các dị tật bẩm sinh tại các bang Massachusetts, North Carolina và Georgia trong hai thời kỳ. Một là vào năm 2012-2013, thời điểm trước khi virus Zika bùng phát tại khu vực châu Mỹ và sau đó là thời điểm năm 2016 khi mà dịch Zika bùng phát.
Kết quả cho thấy, cứ 1.000 trẻ sơ sinh, có tới 60 bé mắc bệnh đầu nhỏ hoặc dị tật bẩm sinh, tức là tăng gấp 20 lần chỉ trong vòng 3 năm. CDC trước đó cũng khuyến cáo: phụ nữ mang thai không nên đến các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi virus Zika.
Liên quan đến thông tin trên, nhiều bà bầu tỏ ra lo lắng, bởi ở Việt Nam trước đó cũng đã có trường hợp nhiễm virus zika khi mang thai.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Các chuyên gia cảnh báo, phụ nữ mang thai cần đi khám định kỳ để được tư vấn kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết:
Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Các chuyên gia y tế quan ngại, dịch bệnh do virus Zika có mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.
Khuyến cáo với phụ nữ mang thai:
Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo phụ nữ mang thai thực hiện một số biện pháp sau:
1.Không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika.
2.Phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch, nếu có các triệu chứng như: sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, khám thai định kỳ.
3.Trong 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika.
4. Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.
Người từ vùng dịch trở về, không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong suốt quá trình mang thai hoặc trong ít nhất 6 tháng để tránh lây truyền virus zika.
N.Giang