Chiều 8/7, Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” đã được diễn ra với mục đích nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp.
Vai trò thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang rất quan ngại trước các tác động càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
“Bên cạnh đó dịch bệnh, xung đột đang thách thức nhiệm vụ phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, tuần hoàn để phát huy vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Do đó, ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Trong bối cảnh trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng, thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Tại sự kiện, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh: “Thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu”.
Bên cạnh đó, bà Ramla Khalidi cho rằng, chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đối với sản xuất nông nghiệp, có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam để thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của tất cả các bên như chế biến, vận chuyển, bán lẻ, qua đó thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn.
Từ đó, vị này đã gợi ý Việt Nam cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận các phương thức tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong hành trình này, UNDP cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ tham luận tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN&PTNT đã chỉ ra vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững nông nghiệp.
“Tỉ lệ xử lý chất thải và phụ phẩm ngày một gia tăng. Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai sáng tạo, gắn liền nhu cầu thực tiễn, đem lại giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, bắt đầu hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn”, ông Phong nói.
Đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, tổng sản lượng phụ phẩm là 156,8 triệu tấn (năm 2020), từ đó có thể thấy tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của Việt Nam là vô cùng lớn.
Thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp
Đi sâu vào các vấn đề từ phụ phẩm nông nghiệp, bà Morgane Rivoal - chuyên gia Kinh tế tuần hoàn và Biến đổi Khí hậu UNDP Việt Nam cho biết, các hoạt động khai thác, thâm canh và các hoạt động không bền vững trong ngành nông nghiệp đặt ra yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, phục hồi tài nguyên là điểm khởi đầu quan trọng để mở rộng quy mô và mở rộng nông nghiệp tuần hoàn. Lấy ví dụ về phục hồi tài nguyên, tạo ra điểm khởi đầu cho nông nghiệp tuần hoàn với lĩnh vực lúa gạo, bà Morgane Rivoal cho biết, thực tiễn ⅔ lượng phân bón bán ra được dùng cho sản xuất lúa gạo tuy nhiên có đến 52 triệu tấn rơm và trấu được tạo ra mỗi năm.
Đáng chú ý, phụ phẩm từ lúa (rơm/trấu) có thể cung cấp tới 28,7 triệu tấn chất hữu cơ trong đất; 0,95 triệu tấn urê; 1,33 triệu tấn supe lân đơn và 1,6 triệu tấn kali sunfat. Ngoài ta, việc tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo còn đem lại rất nhiều tiềm năng như như sản xuất nấm với năng suất 1 ha lúa tạo ra khoảng 250-300kg nấm…
Theo ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Sáng Kiến Thương Mại Bền vững (IDH) tại Việt Nam chia sẻ thực tiễn, những ngành hàng xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu,... yêu cầu nhiều nguyên liệu đầu vào, song lại sản xuất ra lượng phụ phẩm rất lớn.
“Hiện, đang có nhiều mô hình thành công từ kinh tế tuần hoàn tuy nhiên dư địa từ các sản phẩm phụ phẩm còn rất lớn. Phụ phẩm là tài nguyên nhưng chúng ta chưa tận dụng tài nguyên đó một cách hiệu quả” ông Dũng nói.
Từ đó, ông Dũng đề xuất, ngoài chính sách và các mô hình, nhóm đối tượng rất quan trọng trong kinh tế tuần hoàn là doanh nghiệp. Do đó, cần có chiến lược, định hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế tuần hoàn, đáp ứng được 2 yêu cầu: Thị trường và lợi nhuận.
Nhấn mạnh về thị trường của các sản phẩm kinh tế tuần hoàn, ông Dũng đề xuất kinh tế tuần hoàn cần có bên thứ ba hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp để thiết kế, kết nối những cam kết về thị trường.