Chỉ còn đúng 2 tuần lễ nữa sẽ chính thức đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tại Hà Nội thị trường cây cảnh đã nhộn nhịp từ đầu tháng 12 âm lịch. Lợi dụng nhu cầu mua cây cảnh trưng Tết thời điểm này lên rất cao, để tối đa lợi nhuận nhiều dân buôn với thủ đoạn "râu ông nọ cắm cằm bà kia", quả cây nọ ghép với thân cây kia để bán cho những người nhẹ dạ cả tin.
Theo khảo sát của PV, trên nhiều tuyến phố Hà Nội những ngày này không thiếu hình ảnh những cây táo lùn, táo cảnh trông bắt mắt rong ruổi rao bán trên những tuyến đường với giá rao bán dao động từ 200.000-500.000 đồng/cây. Sau khi bỏ ra số tiền khá lớn mua về, nhiều người đã tá hoả phát hiện đó là cây hoa dâm bụt, quả táo chỉ được gắn keo trên đó.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thuỳ Dương (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Tôi đi mua đào Tết trên đường về thấy cây ra quả đẹp, quả tươi bóng được người bán giới thiệu là cây táo cảnh. Giá bán cũng chỉ 300.000 đồng thấy cũng đẹp nên tôi lựa chọn ngay. Về nhà có người bảo đây là cây dâm bụt được gắn táo thật vào. Sau khi kiểm tra, gỡ bỏ quả ra khỏi cành tôi mới biết đúng là mình bị lừa”.
Tương tự như trường hợp của chị Dương, anh Hiển cũng đã bỏ số tiền 350.000 đồng để mua một cây "táo lùn" về chơi Tết. Anh cho biết: "Sau khi phát hiện ra đó là cây dâm bụt, tôi đã chia sẻ trên nhiều trang mạng để cảnh báo mọi người, sau khi chia sẻ tôi mới phát hiện nhiều người bị lừa như vậy".
Để tìm hiểu rõ hơn về thủ đoạn này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Dinh, chủ một vườn cảnh tại xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên). Chị Dinh khẳng định, đa phần những cây bán dong được quảng cáo là táo lùn, táo cảnh... là cây hoa dâm bụt được gắn quả táo thật.
Chị nói: “Đó đều là cây dâm bụt hoặc cây dành dành, hai loại cây giá rẻ, bán lẻ chỉ từ 30.000-50.000 đồng/cây.
Do đặc điểm đây là những cây có thân, cành rất dẻo nên một số người lợi dụng gắn quả táo theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” và đẩy giá lên 200.000-500.000 đồng. Sau khi mua về trồng một thời gian quả táo sẽ hỏng, còn cây sẽ ra hoa đỏ đặc trưng nếu là cây dâm bụt (cây nở hoa quanh năm), với cây dành dành sau Tết sẽ ra hoa màu trắng”.
Chị Dinh tiết lộ: "Ngoài táo bị làm giả thì nụ hoa hải đường cũng thường được gắn vào để đánh lừa khách hàng như vậy. Với chi phí chỉ vài chục nghìn để biến một cây dành dành thành hải đường là họ đã tạo ra lợi nhuận chênh lệch lớn. Giá của một cây hải đường thật khoảng 300.000-500.000 đồng cho cây cao từ 70cm-1m".
Cũng theo chị Dinh, cách để phân biệt rõ nhất là nhìn vào quả được gắn trên cây. Nếu là cây táo thật, quả sẽ ra từ nách cành, cuống quả nhỏ, khoảng cách cuống từ quả tới cành rất ngắn. Đối với cây bị gắn, quả thường được gắn ở ngọn cành, nhìn kỹ sẽ thấy hoàn toàn không có cuống quả vì nó được gắn trực tiếp vào đầu cành.
Lá của cây dâm bụt cũng khác, lá xanh đậm, khi vê nát ra sẽ hơi nhớt. Với cây táo lá tròn, xanh nhạt và không nhớt. Ngoài ra, với cây táo lùn, táo tây giá bán lên tới cả triệu đồng chứ không có vài trăm nghìn như vậy".
Dịp Tết, nhu cầu mua cây cảnh của mọi người tăng cao, nhiều người sẵn sàng vì lợi nhuận mà làm ăn gian dối. Vì vậy, người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua, tham khảo tại các cơ sở uy tín để tránh gặp phải tình huống dở khóc dở cười như vậy.