Chế biến thịt trâu Ấn Độ
Theo một tin tức điều tra đáng chú ý trong năm 2014 của công ty Vissan, tại TP. Hồ Chí Minh, lượng giết mổ trâu bò của các lò tư nhân ở các tỉnh lân cận đưa về khoảng 300 – 400 con trâu, bò/1 ngày. Trong đó trâu chiếm 70 – 80%, còn lại là bò. Nhiều người cho rằng, thịt trâu đắt hơn thịt bò nhưng trên thực tế, thịt trâu đông lạnh giá rẻ hơn thịt bò rất nhiều. Vì nguồn hàng thịt trâu trên thị trường không rộng rãi như thịt bò, nên giá thịt trâu tươi cũng cao hơn thịt bò, nhiều tiểu thương muốn thu siêu lợi nhuận, đã "biến hình" thịt trâu Ấn Độ đông lạnh thành thịt bò tươi ngon hoặc thịt trâu tươi theo ý muốn của khách hàng.
Cận cảnh món thịt trâu Ấn Độ đông lạnh giả làm thịt bò.
Theo ông Nguyễn Văn Cấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu lên tại tọa đàm trực tuyến về chống hàng giả do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4/2015; năm 2014 hơn 26.000 tấn thịt trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được nhập về Việt Nam qua tờ khai hải quan. Song, điều ngạc nhiên là trên thị trường từ cửa hàng đại lý cho tới siêu thị không hề thấy "bóng dáng" của số thịt nhập khẩu này. Câu hỏi đặt ra là phải chăng loại thịt này đã được biến hình, đội lốt dưới danh nghĩa một loại thịt khác để bán ra thị trường?!
Vụ việc của 26.000 tấn thịt trâu đông lạnh nhập vào thị trường Việt Nam, nhưng biến mất một cách bí ẩn đã được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cho hay: "Toàn bộ số thịt trâu trên nhập khẩu vào Việt Nam, có giấy phép và được thông quan một cách hợp pháp, nên việc được mua – bán trên thị trường không có gì sai. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, không nơi nào trên thị trường ghi nhận có sự hiện diện của lô sản phẩm này, mà chỉ có thịt bò".<