Công nghệ “đỉnh cao” của làm... hồ sơ giả
Theo kết quả tìm hiểu của PV, vì muốn đi làm kiếm tiền khi chưa đến độ tuổi lao động, hoặc không đủ giấy tờ, nhiều công nhân tại các KCN, KCX ở TP.HCM tổ chức làm giấy tờ giả. Điều này đã đưa lại nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc kiểm soát lao động. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều đối tượng hoành hành việc làm trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, trong đó có không ít doanh nghiệp mặc dù biết công nhân của mình chưa đủ tuổi nhưng vẫn lờ đi.
Tìm đến đường N1 (KCN Mỹ Phước I, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), PV nghe nhiều bàn tán của người dân về một tiệm photocopy chuyên làm giấy tờ giả cho công nhân. Anh N.V.X. (25 tuổi, quê ở Nam Định) chia sẻ: "Cách đây hơn một năm, tôi vào Bình Dương với hy vọng kiếm được một công việc trong một xí nghiệp may tại KCN Mỹ Phước I. Thế nhưng, trên đường từ bến xe vào nhà trọ, tôi bị một nhóm thanh niên cướp ví nên mất hết tiền bạc và CMND. Sự việc này khiến cho quá trình tìm kiếm việc làm của tôi gặp không ít khó khăn. Vì hầu hết các doanh nghiệp yêu cầu phải có CMND gốc để đối chứng. Tại đây, tôi được bạn bè giới thiệu một địa chỉ làm giấy tờ giả trong thời gian ngắn".
Cuộc sống khổ cực của công nhân vẫn bị rình rập bởi nhiều tệ nạn xã hội. (Ảnh minh họa).
Sau khi biết được nhu cầu làm giấy tờ của tôi, ông chủ tiệm photocopy tên T. tặc lưỡi: "Chú đừng lo, để anh làm nhanh cho, nhưng giá cả cao hơn bộ hồ sơ bình thường". Theo ông chủ T., có hai cách để làm giả CMND phải ra tiệm cầm đồ mua một CMND cùng năm sinh đem về lột ảnh thật ra, dán hình người cần làm giả vào, ép nhựa lại. Theo cách thức này, công nhân muốn mua bao nhiêu CMND, hồ sơ xin việc giả đều có. Anh X. cho hay: "Nhận được CMND giả từ ông chủ này sau hai tiếng đồng hồ, tôi phải trả tiền công hết 350.000 đồng và 3 bộ hồ sơ xin việc giả với giá 180.000 đồng/bộ. Hai là giả toàn bộ mà y như thật. Lúc đầu, cầm những bộ hồ sơ này đi xin việc, tôi không hề gặp phải khó khăn gì. Tuy nhiên, sau một tháng làm việc, tôi nhận được hợp đồng ký kết với công ty một năm để nhận được những phúc lợi từ công ty. Tuy nhiên, tôi chưa kịp ký thì nhân sự của công ty kêu lên và trả lại hồ sơ vì họ phát hiện giấy tờ của tôi là giả".
Trước thực trạng tràn lan các địa điểm làm giấy tờ giả, công an phường Hiệp An (TP. Thủ Dầu Một) đã vào cuộc, điều tra và bắt giữ Cao Văn Thư (SN 1977, quê Nghệ An), Phan Anh Đức (SN 1974, quê Quảng Trị) và Nguyễn Tống Giang (SN 1989, quê Phú Thọ) nằm trong đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan Nhà nước. Khám xét nơi ở các nghi can tại khu phố 2 (phường Hiệp An), công an thu giữ tang vật gồm 2 máy in màu, 1 máy chụp hình, 1 máy vi tính cùng nhiều giấy tờ đã in, con dấu giả của UBND xã Hương Lung (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), UBND xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và dấu của UBND phường Hiệp An (TP. Thủ Dầu Một), cùng chữ ký giả Chủ tịch UBND phường Hiệp An.
Tại cơ quan công an, Cao Văn Thư khai đã nhờ Phan Anh Đức làm giả giấy tờ để đi nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Đức khai nhờ Nguyễn Tống Giang dùng kỹ thuật đồ họa trên máy tính để in các tài liệu giả. Cùng lúc đó, cơ quan CSĐT công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi làm giả con dấu, chữ ký của cơ quan Nhà nước.
Anh V.V.P. (quê ở Bến Tre, công nhân của công ty may Đ.T., gần KCN Tân Bình) cho biết: "Làm việc trong công ty này mới chỉ được 3 tháng nhưng tôi phát hiện rất nhiều công nhân dưới độ tuổi lao động đã làm hồ sơ giả để được vào đây làm. Trong đó, có những công nhân mới chỉ 15 tuổi cũng sử dụng hồ sơ giả của bạn bè, hoặc người thân để đi làm. Điều đáng nói là họ đã làm ở công ty này tới 2 năm nhưng không hề bị phát hiện. Thậm chí, nhiều người bị phát hiện, nhưng vẫn được làm việc với tư cách là một công nhân thời vụ và không được hưởng những quyền lợi của công ty".
Nỗi khiếp sợ “xã hội đen” và “tín dụng đen”
Cũng theo tìm hiểu của PV, nhiều công nhân tại các KCN, KCX trên địa bàn TP.HCM còn khốn khổ bởi gánh nặng nợ nần. Anh L.V.M. (công nhân KCN Củ Chi, TP.HCM) tâm sự: "Cách đây gần một năm, vì cần một khoản tiền để làm ăn cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng lại không có nguồn để vay nên tôi được bạn bè giới thiệu đến một băng xã hội đen vay nóng. Sau khi trao đổi, tôi đề nghị được vay tổng số tiền là 10 triệu đồng. Với số tiền vay này, tôi phải trả lãi 300.000 đồng/tháng. Những tưởng với số tiền này, tôi có thể thuận lợi quay vòng vốn trong việc kinh doanh để lấy lại số vốn ban đầu cho họ. Tuy nhiên, tôi bị thua lỗ nặng ngay từ lần kinh doanh đầu tiên". Lãi mẹ đẻ lãi con mà thành mấy chục triệu đồng.
Anh M. cho biết thêm: "Cùng lúc đó vợ tôi lại bị bệnh nặng phải đi bệnh viện chữa trị nên tôi không còn khả năng chi trả cả vốn lẫn lãi. Vì không trả được lãi nên những tháng tiếp theo số tiền này được cộng vào tiền vốn ban đầu. Lãi mẹ đẻ lãi con, khiến tôi hoàn toàn không còn khả năng trả nợ. Vì vậy, chủ nợ đã nhiều lần thuê giang hồ đến uy hiếp bắt, lấy đi những tài sản có giá trị trong nhà để gạt nợ. Đến lúc không còn gì để lấy, nhóm giang hồ này lấy luôn chiếc xe máy duy nhất của gia đình. Thậm chí, họ còn lấy cả thẻ ngân hàng để siết tiền lương của tôi mỗi tháng".
Cùng hoàn cảnh, anh N.V.X. (quê Hà Tĩnh, công nhân tại KCN Sóng Thần) cho hay: "Hai năm trước, vì muốn có cái nhà để cả gia đình ổn định nên tôi đã vay mượn mọi người mua miếng đất giá 300 triệu đồng. Sau khi gom tất cả số tiền vay của bạn bè và người thân trong gia đình thì thiếu mất 50 triệu đồng. Để nhanh chóng có tiền đóng cho chủ đất, tôi quyết định đi vay lãi suất của xã hội đen số tiền còn thiếu dưới sự giới thiệu của một người quen. Chủ nợ cho biết với số vốn này, tôi phải trả lãi suất 30%/năm (1,5 triệu đồng/tháng). Sau khi mua được miếng đất, thì không biết phải vay ai để trả số tiền 50 triệu này mà chỉ có thể trả tiền lãi bằng việc trích số tiền lương mỗi tháng. Sợ hãi trước “luật giang hồ” của chủ nợ, tôi đành chấp nhận bán nền nhà mới mua để trả nợ và tiếp tục cuộc đời... ở trọ".
Kẽ hở của quản lý lao động vị thành niên Về nạn sử dụng lao động tại các KCN, KCX trên địa bàn TP.HCM hiện nay, luật sư Nguyễn Đặng Nhân, Đoàn luật sư Đồng Nai, công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam chia sẻ: "Mặc dù, quy định về việc sử dụng lao động trong độ tuổi dành cho các doanh nghiệp trong KCN, KCX rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc quản lý và giám sát hoạt động này còn nhiều yếu kém và sơ hở. Mặt khác, thừa lao động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp". Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đăng Liêm cho biết: "Theo luật Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp tại KCN, KCX không được phép sử dụng lao động dưới tuổi 18". Đối tượng cho vay nặng lãi là phạm tội hình sự Trao đổi với PV về vấn đề cho vay nặng lãi tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện nay, luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường đại học CNTT Gia Định (TP.HCM), thành viên Hội Luật gia Châu Á cho biết: "Nắm bắt được tâm lý cần vay nóng tiền bạc để giải quyết công việc, và sự thiếu hiểu biết của công nhân, nhiều đối tượng đã cho vay với lãi suất cao. Điều này khiến cho nhiều con nợ lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Với hoạt động cho vay nặng lãi này các chủ nợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người dân cần cảnh tỉnh và không nên vay lãi suất cao của các đối tượng này. Tốt hơn hết, công nhân nên đến các tổ chức công đoàn và ban quản lý KCN, KCX để được giúp đỡ". |
Thơ Trịnh
Kỳ sau: Khi nữ công nhân "làm thêm nghề... gái gọi"