TTXVN đưa tin, ngày 13/5, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cấp cứu bé trai 8 tuổi ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị tôn cắt vào cổ.
Trước đó, ngày 12/5, bé trai được đưa vào phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng bị vết thương cổ vùng III gần góc hàm phải, kích thước dài khoảng 6cm, vết thương chảy máu nhiều, không lộ xương.
Theo người nhà bệnh nhân, bé đang đi xe đạp thì bị xe chở tôn cắt vào cổ. Sau tai nạn, bé chảy nhiều máu vùng cổ, gia đình đã băng ép vết thương và đưa ngay đến viện cấp cứu. Các bác sĩ huy động toàn bộ kíp cấp cứu cầm máu, dùng thuốc giảm đau chống sốc và chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, bé trai có vết thương sâu, rộng, chảy máu nhiều làm đứt toàn bộ cơ ức đòn chũm nhưng rất may mắn là động mạch cảnh và các dây thần kinh đi kèm của bệnh nhi không bị tổn thương. Nếu vết thương chệch 1mm nữa thì nguy cơ tử vong của bệnh nhi rất cao.
“Bé được phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp vùng cổ, kiểm soát tổn thương, phục hồi cơ ức đòn chũm, cầm máu. Hiện tại sau phẫu thuật sức khoẻ của bé đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho hay.
Theo Infonet, đây không phải là sự việc đáng tiếc đầu tiên liên quan đến những tấm tôn sắc nhọn trên xe chở hàng. Trước đó năm 2016 tai nạn thương tâm cướp đi tính mạng của một bé trai 9 tuổi và một phụ nữ 64 tuổi tại Hà Nội vì bị tôn cắt vào cổ khi đang đi trên đường.
Những vụ tai nạn trên gióng lên hồi chuông báo động về những “hung thần” mang tên xe chở vật liệu xây dựng cồng kềnh tham gia giao thông và kiến thức sơ cấp cứu, cầm máu khi xảy ra tai nạn.
Việc sơ cứu cần thực hiện càng nhanh càng tốt để tránh mất máu cho người bị nạn.
Trước tiên, người sơ cứu cần nhanh chóng dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương, băng ép lại với lực vừa đủ giúp hạn chế được tình trạng chảy máu nhưng không khiến nạn nhân khó thở. Dùng dây băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân rồi buộc lại để cố định vị trí băng ép.
Người tham gia ứng cứu tuyệt đối không được sử dụng thuốc lào, thuốc lá, các loại bột hoặc nhai lá cây... đắp lên vết thương. Cách sơ cứu trên không mang lại hiệu quả cầm máu mà còn khiến nạn nhân đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây khó khăn cho việc cứu chữa. Mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về sơ cấp cứu để bảo vệ chính mình và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi chẳng may gặp tai nạn.
Quốc Tiệp (t/h)