Cụ thể, vào đêm ngày 16/8, nạn nhân Đ.X.L (14 tuổi ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) bị rắn cắn vào đốt số 4 bàn chân trái. Do bất ngờ bị cắn nên không thể xác định được là loại rắn nào cắn. Ngay sau bị cắn, L. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của nhiễm nọc độc, gia đình ngay sau đó đã đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập để cấp cứu.
“Khi đưa vào cấp cứu, 4 ngón chân trái của L. có vết răng xước dài 3cm, không chảy máu, không bầm tím. Bênh nhân L. nhanh chóng được xử trí vệ sinh và cho dùng thuốc tại Khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Đồng thời, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết”, bà Hằng cho hay.
Tiếp đó, sau khoảng 7 tiếng từ khi bị cắn, bệnh nhân có biểu hiện khó thở nhiều, đau nhiều vùng cổ, không nói được, vật vã kích thích, tím môi và gốc mũi, phổi thông khí giảm. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản với máy thở IPPV và theo dõi chỉ số sinh tồn qua máy Mornitor 7 thông số. Đồng thời, sử dụng thuốc qua truyền tĩnh mạch, đặt sonde túi dẫn lưu, sonde dạ dày và hút đờm dãi.
“Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, khỏe mạnh để ra viện trở về tiếp tục đi học”, bà Hằng thông tin.
BSCK I Đinh Xuân Hạnh, Trưởng khoa CC, HSTC&CĐ (TTYT huyện Yên Lập) nhận định, cứ vào mùa mưa số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn lại gia tăng. Nếu sơ cứu khi bị rắn độc cắn không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong.
Cũng theo BSCK I Đinh Xuân Hạnh, hầu hết các vết rắn cắn xảy ra trên các chi, sau khi bị rắn độc tấn công nạn nhân sẽ có các biểu hiện như đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 – 30 phút, vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim… và rất dễ tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp.
“Tuỳ thuộc vào các triệu chứng của người bệnh bị rắn độc cắn, chúng tôi sẽ tiến hành cấp cứu, điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp, truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh bằng thở oxy hoặc đặt nội khí quản”, BSCK I Đinh Xuân Hạnh cho hay.