Có những ngày nắng lên tới 45-50 độ vẫn phải làm việc
Chào Phạm Thái, được gọi là “phù thủy hóa trang” với những màn biến hóa đặc biệt của các diễn viên ở các bộ phim truyền hình như: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Mê cung và cả Táo quân nữa. Anh có ngại không?
Được mọi người ưu ái và quý mến nên đã gọi tôi với cái tên như vậy, thật lòng mình tôi thấy rất vui vì mình được chính những người làm nghề yêu mến và tin tưởng mình. Tuy nhiên nếu xét về góc nhìn riêng về nghề hoá trang thì tôi thấy còn phải học học nữa và học mãi, nên khi gọi như vậy thì tôi vẫn sự e ngại với chính mình. Tôi tâm niệm không có thành công nào ghi dấu được nếu mình ngừng sáng tạo.
Anh đến với nghề trang điểm như thế nào? Làm việc ở VTV thì có gì đặc biệt không anh?
Tôi đến với nghề một cách rất tình cờ. Trước đây tôi không nghĩ mình sẽ đi làm nghề hoá trang hay theo nghiệp phim ảnh gì cả. Trước đây, tôi dự tính khi thi đại học là tôi sẽ mong mình trở thành nhà thiết kế thời trang vì trước đây tôi từng tham gia công tác làm giảng viên cho những khoá học ở lớp người mẫu và thiết kế trang phục tại cung
Văn hoá Thể thao Thanh niên Hải Phòng, cho nên tôi nghĩ mình hợp làm trang phục vì cái đó tôi rất thích.
Khi giảng dạy lớp đào tạo người mẫu thì có những khoá bế giảng, tôi phải makeup cho các bạn mẫu học trò của mình nên đành nhìn theo tạp chí và và bắt đầu makeup theo hình mẫu ở tạp chí, dần rồi thành quen. Và rồi tôi thấy nghề makeup có cái thú vị nên khi hãng phim truyền hình Hải Phòng tổ chứ lớp học hoá trang, tôi đã đăng ký để tìm hiểu.
Tôi được mời về làm việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam qua sự giới thiệu của các anh chị em nghệ sĩ và những anh chị đồng nghiệp. Ở đây tôi thấy cái sáng tạo của mình được yêu cầu cao hơn, thử thách làm nghề nhiều hơn, đặt biệt tôi thấy thích nơi nào nhiều thử thách vì nơi đó không làm mình bị dậm chân tại chỗ.
Nghe nói làm việc ở VTV áp lực lắm, phải không anh?
Áp lực thì ở đâu cũng có, ngành nghề nào công việc nào cũng vậy. Tôi về ngôi nhà VTV này tức là tôi đã chấp nhận áp lực công việc ở đây. Về thời gian công việc của chúng tôi đặc trưng quay từ sáng đến tối, ngày quay mười mấy tiếng trên phim trường chưa kể thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam.
Có những ngày nắng ngoài trời lên 45-50 độ mà chúng tôi vẫn phải làm việc ngoài trời... và hơn cả đó là sự sáng tạo, luôn update liên tục những cái mới để đưa ra những tạo hình nhân vật phù hợp với từng bộ phim đó là cái áp lực lớn nhất.
Trong thời gian hóa trang cho các đoàn làm phim, anh có kỷ niệm sâu sắc với vai diễn nào, phim nào nhất?
Trước đây thì có phim Lập trình cho trái tim, tôi ấn tượng vai của cá sấu chúa do Quỳnh Nga đảm nhiệm, rồi thì vai San San do Huyền Lizzie đóng trong phim Lời thú nhận của Eva. Sau này thì có Phan Hải do diễn viên Việt Anh đóng trong Người phán xử. Gần đây nhất là vai Fedora (do Doãn Quốc Đam đóng), vai Cường Lâm (do NSƯT Công Lý đóng) và Việt sói (do Duy Hưng) trong phim Mê cung.
Phim Mê cung đang chiếu trên VTV được nhiều khán giả chú ý với nhưng nhân vật như: Fedora của Doãn Quốc Đam, Việt sói của Duy Hưng, anh có thể kể cho khán giả nghe về quá trình hóa trang hai nhân vậy này?
Khi làm phim Mê cung, thời gian chúng tôi chuẩn bị cũng khá gấp rút. Khi nhận kịch bản phim, đọc xong tôi bị ám ảnh bởi vai của Fedora và tôi quyết định nhận phim này. Khi mới đầu làm tạo hình theo kịch bản, là chỉ có 2 tạo hình cho Fefora nhưng sau đó đạo diễn Khải Anh muốn Fedora mỗi lần theo dõi ai lại cải trang thành một người khác nên đã có thêm 4 tạo hình khác nữa.
Với vai của Doãn Quốc Đam tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ như: Râu tóc, miếng dán và răng giả để tạo hình. Tuy nhiên, chúng tôi không quá lạm dụng để diễn viên có thể diễn cơ mặt được tốt nhất. Mỗi buổi quay tốn mất hơn tiếng đồng hồ để làm thay đổi từ tạo hình này sang tạo hình khác.
Còn về Việt sói thì lại vất vả một kiểu khác, chúng tôi phải chọn lựa hình xăm cho nhân vật. Để nhân vật có tạo hình sốc nổi, ngông nghênh, bặm trợn chúng tôi phải cắt ghép rất nhiều hình xăm. Khó khăn hơn là trong lúc đặt hình xăm về thì nhân vật phải quay từ rất sớm nên một số cảnh tôi đã phải vẽ tay lại cái hình xăm đó để có thể hoàn thành cảnh quay.
Tôi không quan tâm đến người ta nhận xét gì!
Để hóa hóa trang cho NSƯT Công Lý vào vai trùm ma túy Cường Lâm trong Mê cung, anh cũng khá vất vả?
Khi biết anh Công Lý được mời vào vai Cường Lâm, tôi khá là bất ngờ. Bất ngờ về ngoại hình của anh, nhưng nó lại là cái để tôi được sáng tạo vì được làm mới một diễn viên quen thuộc.
Một ông trùm mà mọi người hình dung thường là phải thần thái bệ vệ, phải cao lớn, phải uy quyền, trông phải giữ tướng, hổ báo.... Nhưng tôi lại nghĩ khác, trên thực tế có những người trông vẻ ngoài rất thư sinh nhưng lại là một kẻ sát nhân, có những trông rất lành nhưng lại là người cầm đầu của một băng đàn anh, đàn chị...
Vì thế tôi đã lấy ý tưởng đó để làm nên một ông trùm ma tuý Cường Lâm hoàn toàn khác trên phim. Công tác chuẩn bị cho Cường Lâm cũng khá vất vả, tôi thì ngày đi quay đêm về lại đan đan móc móc râu tóc, tôi thức trắng gần 6 đêm liền để hoàn thiện các phụ kiện cho Cường Lâm.
Ngoài ra thì cũng khá là vất vả khi trên trường quay nóng và oi. Chúng tôi phải dán râu tóc phục vụ cho nhân vật Cường Lâm mất gần hai tiếng đồng hồ, chưa kể lúc tẩy trang cũng gần một tiếng nữa.
Theo anh, cái khó nhất của nghề hóa trang, nhất là hóa trang trong các chương trình lớn, những bộ phim hot là gì?
Cái khó nhất của nghề khoá trang đó là người hoá trang khi đặt cọ lên gương mặt của diễn viên họ phải ý thức được vai diễn họ đang hoá trang là : Ai, ở đâu, làm gì, tính cách nhân vật thế nào và bao nhiêu tuổi. Xác định như thế thì tôi mới có thể bắt đầu hóa trang, trang điểm cho nhân vật được.
Người ta nói làm công việc hóa trang, tiếp xúc với son phấn, đồ trang điểm... thì không được nam tính lắm. Anh nói sao về nhận xét này?
Tôi không quan tâm đến việc người ta nhận xét gì! Tôi chỉ quan tâm mình đã làm được những sản phẩm nào. Mang tính chất giáo dục ra sao. Để lại cho đời những tác phẩm gì mà thôi!
Người ta nói, để một bộ phim thành công, thì ngoại hình diễn viên chiếm đến 50%, là "phù thủy hóa trang" cho các diễn viên nhưng anh ít được nhắc đến, có bao giờ anh chạnh lòng không?
Tôi chưa bao giờ chạnh lòng vì điều này. Bởi vì tôi xác định làm nghề này thì tôi cần anh em và người làm nghề trân trọng vì họ chính là những người cùng tôi công tác và cùng tôi sáng tạo. Chính vì trân trọng nên họ mới gọi tôi bằng cái tên thân mật: “Phù thuỷ hoá trang”.
Khi thấy con trai chọn nghề hóa trang gắn bó, bố mẹ anh có nói gì không?
Từ nhỏ thì gia đình hướng tôi theo học ngành nghề khác. Bố tôi thì muốn tôi theo học bác sĩ hoặc công an, ông không thích cho tôi đi làm nghệ thuật nhưng thật sự tôi thích làm những thứ thiên về sáng tác.
Khi tôi chọn học hoá trang bố mẹ lúc đầu cũng không thích, nhưng không ép tôi. Tôi nghĩ, nếu mình thích mình phải làm cho đến cùng phải để gia đình thấy mình không đi sai và đến giờ thì gia đình đã tin tưởng vào nghề mà tôi đã chọn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!