“Ông vua phù thủy” của nghệ thuật nghe - nhìn
Chạy ngoằn nghèo trên những con đường tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Hùng Sơn, đến ngay khu chợ Nhật Tảo hỏi thăm tên “Sơn Loa” ai cũng biết vì cái tên ấy đã gắn liền với cái nghề của anh từ rất lâu rồi. Tiếp chúng tôi ngay tại showroom khiêm tốn, nơi trưng bày những chiếc Loa Tranh mẫu trên đường Lý Nam Đế (Q11, TP.HCM), một ấn tượng khó phai khi lần đầu gặp anh là tuy mang danh hiệu nghệ nhân nhưng anh còn khá trẻ so với những ý nghĩ về một danh xưng nổi tiếng.
Với nụ cười chân thành và thân thiện của người miền Tây, anh bắt tay niềm nở rồi chỉ cho chúng tôi thấy những tác phẩm do chính anh sáng tạo. Chúng tôi không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc loa kỳ lạ và độc đáo ấy. Mới nhìn ít ai có thể nhận biết được đó là một chiếc loa mà sẽ ngỡ rằng đó là một bức tranh được trang trí trên những bức tường trông rất đẹp mắt. Không thể nhận biết ngay được là bởi những chiếc loa này được thiết kế rất mỏng, gọn, nhẹ... và được treo trên tường giống như một bức tranh gỗ nghệ thuật được bày trí để trang hoàng cho một ngôi nhà.
GSTS âm nhạc Trần Văn Khê và Nghệ nhân Sơn Loa bên bức Loa Tranh thư pháp độc đáo
Chúng tôi chỉ có thể nhận biết khi được nghe những âm thanh phát ra từ những “bức tranh” này. Không khỏi ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được nghe tiếng nhạc phát ra từ những bức tranh đẹp đẽ và thơ mộng, thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, nghệ nhân Sơn giải thích: “Đây là những chiếc loa biết phát ra âm thanh theo nghĩa thông thường và còn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc vì nó có thể vừa dùng để nghe nhạc và cũng là một bức tranh tuyệt mỹ. Nhưng để làm được tác phẩm như thế thì phải trải qua một thời gian rất dài học tập và sáng tạo không ngừng của nghệ nhân, cộng với sự say mê và yêu nghề tuyệt đối thì mới có thể làm được”.
Nghệ nhân Sơn Loa vốn sinh ra tại Sa Đéc, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Anh cho biết từ nhỏ đã rất thích nghe nhạc, nhưng thời ấy chưa có điều kiện để có thể tiếp xúc với âm nhạc dễ dàng như hiện nay. Lúc sinh thời, trong làng có rất ít gia đình nào có máy nghe nhạc, cả xóm chỉ có mỗi một nhà là có chiếc loa cũ kỹ phát ra những âm thanh nghe rất du dương và tình cảm. Mỗi buổi chiều anh thường chạy qua nhà hàng xóm ấy để có thể được nghe những giọng ca ngọt ngào của những ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu, Hoàng Oanh... Mỗi lần như vậy, anh lại ước mơ sau này sẽ làm ra những chiếc loa có âm thanh tuyệt vời giống như thế.
Năm 15 tuổi anh rời khỏi vùng quê thân thương với quyết tâm thực hiện bằng được mơ ước của mình đã khiến anh lặn lội lên Sài Gòn để học nghề loa. Sau khi hỏi thăm nhiều người, anh tìm đến xin làm công cho một tiệm sửa loa ở chợ Nhật Tảo.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm về loa anh đã biết rõ từng loại loa như cấu tạo, thùng; kể cả bass, treble... Và rồi anh quyết định sản xuất thử một dòng loa của riêng mình với thương hiệu “Audio Pro Son”.
Đến năm 1992, một cửa hàng chuyên về loa của anh khai trương tại số 106 Nguyễn Kim, TP.HCM có phòng thử âm chuyên nghiệp. Anh cho biết là chỉ vài năm sau khi mở cửa hàng loa, sản phẩm anh tạo ra đã được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Rồi trong một lần tình cờ nằm trong phòng thư giãn, nghe nhạc và nhìn những bức tranh treo trên tường, anh đã nảy ra một ý nghĩ thật táo tợn đó là “làm loa trên tranh”.
Trong suốt những năm dày công nghiên cứu, tìm kiếm, anh đã phát hiện chỉ có sợi tổng hợp mới có thể vừa vẽ vừa in mà âm thanh không bị thay đổi. Vận dụng kỹ thuật làm loa, anh mày mò đưa tranh vào sản phẩm loa. Năm 2007, sau 7 năm tìm tòi, thử nghiệm, những bức tranh loa đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam.
Nghệ nhân Sơn Loa giới thiệu về những bức Loa Tranh đặc sắc của mình.
Hồn Việt qua Loa tranh
Cứ ngỡ rằng một khi đã tạo nên được cái riêng, cái độc quyền thì anh chỉ cần phát triển thêm thương hiệu cho mình là đủ. Thế nhưng, anh lại muốn mang hồn Việt vào những tác phẩm Loa Tranh nghệ thuật của mình, bằng việc tái hiện lại những nét đặc trưng, độc đáo của dân tộc trên loa tranh.
Những bức tranh sơn dầu nổi tiếng hay cảnh làng quê bình dị của Việt Nam do những họa sĩ người Việt vẽ được tái hiện trên những tác phẩm hội họa gắn liền lên những sản phẩm mà anh làm ra. Hơn nữa, anh còn muốn khẳng định thương hiệu của mình bằng việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng và tính thẩm mỹ cao của riêng người Việt và anh cũng không ngần ngại đem sản phẩm của mình đi triển lãm với những sản phẩm của nước ngoài.
Mới đây, nhân ngày 19/5, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ nhân Sơn Loa cũng đã chế tác thành công bức Loa Tranh “Bác Hồ làm việc ở Pắc Bó” với kích thước 1m45 x 2m45 để ra mắt đúng vào ngày sinh nhật Bác. Bức Loa tranh đặc biệt này được xây dựng dựa trên tác phẩm “Bác Hồ làm việc ở Pắc Bó” của họa sĩ Trịnh Phòng – Họa sĩ cách mạng Việt Nam. Nghệ nhân Sơn Loa cũng cho biết việc chế tác này nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến vị lãnh tụ yêu quý của dân tộc.
Được biết, những năm trở lại đây người ta hay nhắc đến loa tranh như một sản phẩm sáng tạo độc đáo của người Việt. Loa Tranh đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước bởi những nét nghệ thuật đặc sắc như một bức tranh thư pháp, tranh sơn dầu hay nhiều chất liệu riêng của một dân tộc.
Anh đã đem những cặp loa của mình đi tham dự những buổi triển lãm Hi-end Show, rồi hội thi Audio cho đến những cuộc thử nghiệm âm thanh của các thương hiệu nổi tiếng trong làng Audiophile, để so sánh và cảm nhận trực diện với các hãng chuyên về audio danh tiếng trên thế giới như Denon, Wilson Audio, Jamo Tannoy... Và anh luôn mong tìm một chỗ đứng đúng nghĩa cho thương hiệu Việt trên chính thị trường nước mình.
Sự sửng sốt của chuyên gia thẩm âm quốc tế trước Loa tranh Nghệ nhân Nguyễn Hùng Sơn cho biết, cuối năm 2010 vừa qua, sau khi nghe thông tin từ một tờ báo về sản phẩm kỳ lạ và độc đáo trong làng âm thanh của Việt Nam, thì có một phái đoàn thẩm âm quốc tế dẫn đầu bởi chuyên gia nổi tiếng Robin Marvinson đã lặn lội tới tận showroom của anh để trực tiếp mắt thấy tai nghe sản phẩm này. Sau khi xem và thẩm định về chất lượng âm thanh, chuyên gia thẩm âm đã nhận định: “Tôi thực sự ấn tượng, Việt Nam đã có sự vượt bậc về âm thanh trong thời gian ngắn. Thật thán phục sự tìm tòi sáng tạo của người Việt khi kết hợp tranh và âm thanh để tạo thành sản phẩm loa tranh. Theo tôi, đây có thể là giải pháp không gian hoàn hảo trong tương lai”, ông Robin Marvinson phát biểu. |
Mai Phong