Hụt hẫng trước ngưỡng cửa năm học mới
Hụt hẫng, thậm chí thất vọng, là cảm giác chung của 51 giáo viên đang giảng dạy các bậc tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) trong buổi họp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vào sáng 9/8.
Theo đó, trong số 51 giáo viên bị chấm dứt HĐLĐ, có 7 giáo viên tiểu học, 44 giáo viên THCS, trực tiếp giảng dạy từ năm 2011. Thậm chí, một số cán bộ là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh. Đau xót hơn, có trường hợp bị chấm dứt HĐLĐ khi đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Chị Trần Thị Hiền, giáo viên trường THCS Lê Hoàn (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) cho biết: “Tôi được ký hợp đồng lao động vào giảng dạy tại trường THCS Lê Hoàn từ năm 2011 đến nay. Hiện tại, tôi vẫn chưa đến thời điểm chấm dứt hợp đồng. Mấy ngày trước, tôi bất ngờ nhận được thông báo của phòng Giáo dục huyện Tây Hòa về việc chấm dứt hợp đồng.
Đến sáng nay, tôi chính thức nhận quyết định thôi việc. Tôi thực sự rất hoang mang, mất phương hướng. Bởi lẽ, tôi đang ở độ tuổi 40, lại mới trở lại giảng dạy sau khi nghỉ chế độ thai sản mấy tháng. Bây giờ, đột ngột bị chấm dứt hợp đồng, tôi biết tìm công việc gì đây”.
Tương tự trường hợp của chị Hiền, chị Ngô Thị T., giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) cũng tỏ ra hết sức bất ngờ trước quyết định “dứt khoát” của phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa.
Chị Thu cho hay: “Theo quy định, việc thông báo chấm dứt hợp đồng phải báo trước từ 3-6 tháng để người lao động có thể chủ động tìm kiếm công việc mới. Nhưng chúng tôi bất ngờ nhận quyết định thôi việc khi năm học mới chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu.
Tôi đang mang thai đứa con thứ hai, đi dạy vì thương học trò, cũng vì khi ốm đau, thai sản được nghỉ sinh theo chế độ, có bảo hiểm xã hội. Nhưng giờ bị chấm dứt HĐLĐ, mọi chế độ cắt hết, tôi biết làm sao đây".
Gặp gỡ phóng viên, các giáo viên vừa bị cắt hợp đồng đều tỏ ra bức xúc, hụt hẫng. Bởi, sau bao năm đứng trên bục giảng, bây giờ, họ bất ngờ mất đi công việc, buộc phải ngừng lại niềm đam mê. Trong đó có rất nhiều giáo viên vẫn còn thời hạn hợp đồng.
Thậm chí, có cả cán bộ trong diện kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn có tên trong danh sách thôi việc của phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa. Có người giảng dạy tại trường đã gần 10 năm, trải qua 3 - 4 đợt ký gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa vào được biên chế và bị cắt hợp đồng cùng đợt trên...
Thế nhưng, khi đề cập đến quyền khởi kiện theo luật Lao động, hầu hết giáo viên đều tỏ ra e dè... lắc đầu. “Chúng tôi đi dạy vì niềm đam mê, vì tình thương yêu các học trò nghèo hiếu học. Nhưng xét cho cùng, đây vẫn là một cái nghề, vẫn còn đó nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Khi nhận quyết định này, dù biết thực sự rất khó nhưng chúng tôi vẫn mong lãnh đạo các cấp cứu xét”, chị Nguyễn Thị Minh T., một giáo viên dạy cấp 2 ở Tuy Hòa trải lòng.
“Nhưng cho dù quyết định cuối cùng thế nào cũng rất khó để chúng tôi có thể khởi kiện bởi nhiều lý do có phần “nhạy cảm”. Mất công việc hiện tại, chúng tôi vẫn còn cơ hội tìm công việc ở nơi khác. Chứ khởi kiện, chưa biết có được giữ lại trường hay không mà có khi còn bị “để ý”, thậm chí có khi còn bị trù dập...”, chị T. cho biết thêm.
Sa thải đúng... lộ trình
Trao đổi với PV, bà Trương Thị Dân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết: “Thực tế, trong số 51 giáo viên bị chấm dứt HĐLĐ đợt này đều còn thời hạn hợp đồng từ 1 tháng đến 1 năm. Cụ thể, có 35 trường hợp hết thời hạn HĐLĐ từ ngày 4/9/2017 và 16 trường hợp hết thời hạn HĐLĐ từ ngày 31/8/2018.
Số giáo viên này được tuyển dụng trong thời điểm năm 2011-2012. Thời điểm đó, do thiếu giáo viên trầm trọng nên Phòng đã ký hợp đồng với nhiều giáo viên vào giảng dạy nhiều môn học ở các bậc tiểu học và THCS. Số giáo viên này tham gia giảng dạy tại huyện từ đó đến nay”.
“Tuy nhiên, vừa rồi phòng Giáo dục nhận được văn bản từ UBND tỉnh về việc thu hồi 100 biên chế giáo dục, kèm theo là cắt giảm tiền lương. Trên tinh thần đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, chúng tôi buộc phải cân nhắc.
Xét thấy hiện tại giáo viên đã đủ, mà thời hạn hợp đồng của các anh chị có 1 năm, nên khi hết thời gian hợp đồng mà không còn nhu cầu để tuyển lao động nữa, chúng tôi buộc phải chấm dứt HĐLĐ với các trường hợp này. Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của các anh, chị em giáo viên nhưng cũng không còn cách nào khác. Bởi, nếu không chấm dứt HĐLĐ, phòng GD&ĐT không có nguồn kinh phí nào chi trả tiền lương”, bà Dân cho biết thêm.
Cũng theo vị này, theo chỉ đạo của cấp trên sẽ không chỉ có 51 trường hợp giáo viên bị cắt hợp đồng đợt này. Ngoài ra, còn 130 giáo việc thuộc diện biên chế cũng sẽ được cân nhắc để tinh giản biên chế. Trước mắt, huyện Tuy Hòa tiến hành cắt giảm 51 giáo viên tham gia giảng dạy theo diện hợp đồng ngắn và dài hạn. Sau đó, Phòng này mới xem xét cắt giảm giáo viên trong biên chế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: “Trước thực trạng giáo viên thừa, số lượng học sinh và trường lớp giảm như hiện nay, việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục là việc bất khả kháng. Dù rất cảm thông, chia sẻ khó khăn của những giáo viên phải chấm dứt HĐLĐ nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện. Theo đúng lộ trình, trong 3 năm từ 2016-2018, huyện Tây Hòa phải cắt giảm 130 biên chế theo chỉđạo của sở Nội vụ và UBND tỉnh".
Trong khi đó, ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, cho biết: “Sở Nội vụ chỉ quản lý giáo viên là viên chức trong biên chế. Những trường hợp HĐLĐ làm công tác giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS đều do cấp UBND các huyện, thị xã, TP. đảm trách. Theo quy định hiện hành, UBND và phòng Giáo dục các huyện đãđược quyền phân cấp về quản lý giáo viên. Thế nên, tùy theo nhu cầu thực tế, các huyện ký hợp đồng, cho nghỉ việc hoặc chuyển sang hợp đồng khác”.