Tuổi 25 sung mãn, Maradona đến Mexico 86 mang theo cả hy vọng và ước mơ của một đất nước kiệt quệ về tài chính, đau đớn về tinh thần sau cuộc chiến trên Quần đảo Falkland 4 năm về trước. Và khi đội tuyển Argentina đăng quang, chức vô địch thế giới đã lấy lại cho cả dân tộc này sự tự tôn và nụ cười.
Những giá trị ấy bất khả đong đếm và minh định sự vĩ đại của Maradona. Nhưng bản thân Maradona không hiểu và cũng chẳng thèm biết đến những giá trị ấy. Ông ra sân để chơi bóng. Chơi bóng để thỏa mãn niềm đam mê vào môn thể thao thậm chí ông tôn thờ. Nhưng chỉ khác ở chỗ Maradona đem đến trên sân cỏ lại được cả một dân tộc tôn thờ.
Mexico 1986, đội tuyển Argentina tiến đến vòng chung kết vô địch bóng đá thế giới với át thủ bài Maradona. Từ truyền thông, đối thủ cho đến đồng đội đều xem El Diego là niềm hy vọng duy nhất. Thế nên, đội hình Aibiceleste được tạo dựng dựa trên tôn chỉ đáp ứng mọi yêu cầu của Maradona.
Hậu vệ Julio Olarticoechea, người ở chung phòng với Maradona tại Mexico, nhớ lại rằng ông phải nhón từng bước chân để đi vào phòng tắm khi Maradona đang say giấc cùng suy nghĩ: “Tôi hy vọng anh ấy không bị tỉnh giấy. Nếu anh ấy mất ngủ và chơi tệ ở trận đấu ngày mai, đó là lỗi của tôi”.
Xét về cơ sở vật chất cung cấp cho các đội tuyển tham dự, Mexico 86 thuộc hàng tệ nhất. Đơn cử như đội tuyển Argentina tạm trú tại dãy nhà nghỉ nghèo nàn hơn cả những gì họ đối mặt hàng ngày tại quê nhà, điều khó có thể chấp nhận ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Dãy nhà ấy là bản doanh của đội bóng Club America, ngay gần sân Azteca. Toàn đội có 1 chiếc điện thoại và 1 chiếc tivi đặt trong phòng ăn tập thể. Khi nhận phòng, các cầu thủ phải tự lắp bóng đèn vì trước đó chưa có. Ít nhất các phòng này còn có 2 giường dành cho 2 người, còn khá hơn nhiều so với những phòng 4 người cách đó chừng vài chục mét.
Mọi tuyển thủ, kể cả Maradona, đều nhận khoản trợ cấp ít ỏi 25 USD mỗi ngày từ LĐBĐ Argentina. Nhưng những sự khó khăn như vậy lại giúp Maradona và các đồng đội trở nên gắn kết hơn.
“Khi chấp nhận sống trong những “nhà kho” như thế, bạn thực sự thể hiện thông điệp sẵn sàng làm mọi thứ, sống trong điều kiện tồi tệ nhất, thực hiện những nhiệm vụ khó chịu nhất cả trong lẫn ngoài sân cỏ”, Jorge Valdano, tác giả của 4 bàn thắng trong kỳ World Cup ấy nhớ lại. “Tôi nghĩ nhu cầu chia sẻ mọi thứ giúp tập thể ngày càng đồng nhất hơn. Đó là phép màu kỳ diệu nhất tôi từng trải qua trong cả sự nghiệp”.
Các cầu thủ cần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là với các trận đấu diễn ra giữa trưa hè nóng bức để đáp ứng lịch truyền hình trên khắp thế giới. Ông Joao Havelange, Chủ tịch FIFA lúc đó phản bác bất cứ ý kiến trái chiều nào. Nhưng Maradona không ngần ngại chỉ trích: “Chúng ta nói về lợi ích trận đấu. Lũ chúng nó chỉ nghĩ về lợi nhuận kinh doanh”.
Daniel Passarella là thủ quân đội tuyển Argentina vô địch World Cup lần đầu tiên vào năm 1978. Ông thích hút xì gà và nhâm nhi một ly whisky. World Cup 1986 là giải đấu đáng quên đối với Passarella. Khi đặt chân đến Mexico, thủ quân đội tuyển Argentina được cảnh báo về chất lượng nước địa phương. Tuy nhiên ông nghĩ rằng dùng vài viên đá bỏ vào ly whisky chắc không sao. Kết quả là Passarella bị tiêu chảy nghiêm trọng.
Thủ quân đội tuyển Argentina trở lại tập luyện 2 ngày trước trận đấu với Hàn Quốc - trận đấu đầu tiên của Albiceleste tại World Cup 1986 - và ra sân ngay từ đầu, nhưng sau đó bệnh tiêu chảy lại tái phát. Passarella tụt mất 7kg chỉ trong mấy ngày này. Ông trở lại tập luyện trước trận đấu với Bulgaria ở loạt trận thứ ba nhưng bị rách cơ ở chân trái. Bác sĩ đội tuyển cho rằng Passarella tự ý tăng cường độ tập luyện mà không được phép, trong khi đội trưởng Argentina tuyên bố dính chấn thương do bị ép thi đấu.
Passarella sẽ không khoác áo đội tuyển Argentina thêm lần nào nữa và vẫn có thuyết âm mưu cho rằng Maradona và HLV Bilardo đã bắt tay để loại trung vệ thủ quân Albiceleste. Tin hay không tùy bạn, nhưng sau khi rời đội tuyển, Passarella lập tức xách vali đến bãi biển du hí. Maradona không bao giờ tha thứ cho hành động này: “Năm 1986, chúng tôi thật sự suy sụp khi hắn ta đi tắm nắng ở Acapulco”. Đến đêm trước trận tứ kết với đội tuyển Anh, Passarella lại bị ốm và phải nhập viện vì viêm loét đại tràng. Maradona từ chối đến thăm ông ta.
Một trận hòa trước Ý, chiến thắng cách biệt 2 bàn trước Bulgaria và chiến thắng sát nút 1-0 trước Uruguay đưa Argentina đụng độ Tam sư tại tứ kết. Một bầu không khí sục sôi và độc hại được truyền thông khơi dậy. Chiến sự Falkland chỉ mới đi qua và báo giới đẩy kịch tính để biến một trận bóng đá trở thành cuộc đụng độ khác giữa người Anh và người Argentina.
Maradona phản bác thẳng thừng: “Đây chỉ là bóng đá, nên dừng ngay mọi chuyện lại”. Nhưng không nhiều người lắng nghe thông điệp này. Bất chấp số 10 của Albiceleste còn đăng đàn chỉ trích trước trận đấu: “Tất cả chúng tôi cùng tuyên bố trước trận đấu rằng bóng đá chẳng liên quan gì đến cuộc chiến Malvinas (Falkland). Thật là rác rưởi!”.
Trong khi đó, từ vòng 1/8 trong cuộc chạm trán Paraguay, CĐV Anh đã hô vang: “Sẵn sàng đi tụi Argentina, chúng tao muốn một trận chiến nữa!”. Một cựu binh người Argentina thì nhắn nhủ đến đội tuyển rằng hãy tái hiện màn trình diễn của tên lửa đánh chìm tàu khu trục HMS Sheffield của Anh.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của đội tuyển Argentina không phải là chiến sự Malvinas mà là áo đấu. Theo xếp đặt của ban tổ chức, Maradona và các đồng đội sẽ mặc trang phục thi đấu sân khách màu xanh đậm giống trận gặp Uruguay. Tuy nhiên, HLV Bilardo muốn đổi áo đấu vì áo đấu này thoát mồ hôi kém, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến các cầu thủ trong thời tiết nóng bức giữa trưa hè Mexico.
Rắc rối là hãng tài trợ áo đấu Le Coq Sportif không có bất kỳ mẫu áo nào thoáng khí và thời gian sản xuất cũng không kịp. Thành viên đội tuyển Argentina phải lùng khắp Mexico City để tìm chiếc áo đấu phù hợp hơn để thi đấu trận tứ kết. Đó là chiếc áo đấu có màu xanh nhạt hơn. “Ôi không, không phải kiểu áo này”, Bilardo tỏ vẻ chê bai khi nhìn thấy chiếc áo. Nhưng, Maradona thì khác. Một lúc sau El Diego bước vào và hồn nhiên thốt lên: “Áo đấu này đẹp đấy! Với mẫu áo này, chúng ta sẽ đánh bại người Anh”.
“Ok!”, HLV ĐT Argentina đáp lại. “Vậy thì chúng ta sẽ ra sân với mẫu áo này”. Và 24 giờ trước một trong những trận đấu kinh điển nhất lịch sử World Cup lẫn túc cầu thế giới, tại một xưởng gia công dã chiến bất thường, những công nhân may mặc và thành viên đội bóng Club America miệt mài thêu những số áo và logo LĐBĐ Argentina lên những chiếc áo đấu thường được dùng trong bóng bầu dục.
Đội tuyển Anh không sử dụng chiến thuật một kèm một với Maradona, mặc dù việc chọn Terry Fenwick – trung vệ giữ kỷ lục thẻ vàng tại một kỳ World Cup – chắc chắn có ý đồ. HLV ĐT Anh Bobby Robson nói: “Đừng lo Terry, tên đó lùn, mập và chỉ biết chơi một que”. Những từ ngữ ấy sẽ ám ảnh trung vệ của Tam sư trong suốt những ngày còn lại.
Màn trình diễn chỉ trong 5 phút của Maradona thể hiện cả hai phẩm chất đối nghịch của ông trên sân cỏ: Thiên tài và gian trá. Khi cả hai phẩm chất này cùng phát tiết vào một thời điểm thì người hùng xảo quyệt ấy đơn giản là không thể ngăn cản hoặc không thể chơi được. Đó cũng là màn trình diễn đưa Maradona từ tài nghệ tuyệt luân sân cỏ vươn tới tầm vóc huyền thoại trong mắt quốc dân đồng bào.
Phút 51 là bàn thắng “bàn tay của Chúa” khét tiếng. Sau tình huống phá bóng hỏng của Steve Hodge, bóng văng về vòng cấm địa đội tuyển Anh. Lẽ ra Peter Shilton phải bật lên để ôm trọn lấy trái bóng. Thủ thành này phản ứng chậm chừng nửa giây. Maradona lao xuống và chạm vào bóng trước. Trên không trung, số 10 của Albiceleste tạo dáng như thể sắp đánh đầu và vung tay đấm bóng. Trái bóng vọt qua người Shilton lăn vào lưới.
Sở dĩ gọi bàn thắng này là “bàn tay của Chúa” vì khi trả lời phỏng vấn sau trận đấu, Maradona trí trá rằng: “Bàn thắng này được tạo ra từ cái đầu của Maradona và bàn tay của Chúa”. Trở lại với thời điểm bóng lăn vào lưới, cả thế giới thấy nhạc trưởng của đội tuyển Argentina dùng tay chơi bóng, trừ trọng tài chính người Tunisia, Ali bin Nasser và trọng tài biên người Bulgari, Bogdan Dochev. Dochev thừa nhận thời điểm đó ông hoàn toàn tin bàn thắng hợp lệ. Chỉ 2 ngày sau, một thành viên ủy ban trọng tài mới cho ông biết rằng Maradona đã dùng tay, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
3 phút rưỡi sau bàn thắng xảo trá nhất lịch sử là bàn thắng đến nay vẫn được ghi nhận là đẹp nhất lịch sử hay còn gọi là “bàn thắng thế kỷ”. 10 giây rực rỡ đầy mê hoặc, Maradona thực hiện ra rê bóng từ sân nhà đến tận khung thành đối phương, lừa qua 6 cầu thủ đối phương kể cả thủ môn và đưa bóng vào lưới trống, nhân đôi cách biệt trận đấu.
Chung cuộc Argentina đánh bại tuyển Anh với tỷ số 2-1 để tiến vào bán kết. Trận đấu này đã thay đổi cuộc đời không chỉ Maradona mà còn nhiều đồng đội và đối thủ. Trung vệ “tiều phu” Fenwick bị ám ảnh cả đời bởi “bàn thắng thế kỷ” của thiên tài người Argentina, như một lần phỏng vấn ông gọi đó là trải nghiệm “cay đắng và khổ đau”. Nếu không ăn thẻ quá sớm cũng vì một pha phạm lỗi với Maradona, Fenwick chắc chắn không chỉ đưa cánh tay vô vọng qua bụng Maradona trên hành trình tiến đến khung thành đội nhà của “số 10”.
Ngược lại, Hector Enrique lại được tung hô như một người hùng tại quê nhà vì ông chính là người “kiến tạo” cho Maradona ghi bàn thắng thế kỷ. “Với đường chuyền đẳng cấp đó của tôi mà hắn bỏ lỡ cơ hội thì tôi sẽ giết hắn”, Enrique tặc lưỡi tếu táo.
Trong khi đó, thủ thành Shilton ôm mối hận số 10 của Albiceleste suốt cả cuộc đời. Lý do không phải vì pha ghi bàn bằng tay mà là Maradona không chịu xin lỗi. Thế nên trong buổi lễ tôn vinh Shilton, ông từ chối mời Maradona tham dự. Tất nhiên, với cá tính mạnh mẽ, Maradona phản ứng sắc lẹm: “Hắn ta không mời tôi? Đúng rồi. Ôi, trái tim tôi rỉ máu. Bao nhiều người đi xem lễ tôn vinh một thủ môn? Một thủ môn?!”.
Nhiều năm sau, Chris Waddle đưa ra quan điểm về sự căm hận của người Anh với “Bàn tay của Chúa”: “Rất nhiều người hâm mộ đội tuyển Anh không bao giờ tha thứ cho những gì Maradona đã làm. Nhưng nếu Gary Lineker làm điều tương tự ở đầu sân bên kia, anh ấy vẫn được ca tụng như một người hùng”.
Tiền vệ Hodge thì không thể tưởng tượng việc đổi áo với Maradona sau trận đấu lại là món hời lớn ngoài sức tưởng tượng. Chỉ với hành động đó, ông đã đảm bảo tài chính cho tương lai con cháu bởi hồi tháng 5 vừa qua, chiếc áo đấu vừa được bán đấu giá với mức 7,1 triệu bảng, đâu đó gần 210 tỷ đồng, số tiền cao nhất từng được trả cho một kỷ vật thể thao.
Gần đây lại có thông tin trái bóng Maradona đã ghi bàn thắng “Bàn tay của Chúa” và “Bàn thắng thế kỷ” sẽ được đem đấu giá với giá dự kiến lên tới 3 triệu bảng. Chủ nhân quả bóng này là trọng tài Bin Nasser.
Đối thủ tiếp theo của Argentina là Bỉ, hiện tượng của Mexico 86. Chiến thắng trước đội tuyển Anh khiến người Argentina cảm thấy bất khả chiến bại và thế bế tắc của trận đấu được phá vỡ ở phút 51. Một cú tỉa bóng điệu nghệ của Jorge Burruchaga và một pha vẩy má điêu luyện của Maradona đánh bại toàn bộ hàng thủ đội bóng áo đỏ.
Hơn 10 phút sau, nhận bóng ở trung lộ, cách khung thành đối phương chừng 40m và trước mặt là 3 cầu thủ áo đỏ, số 10 của Albiceleste vẫn quyết định đột phá. Một pha vê bóng và một pha ngoặt bóng, hàng thủ tuyển Bỉ như miếng bơ tan chảy trước lưỡi dao nóng, Maradona tung chân sút bóng chéo góc hạ gục thủ thành Jean-Marie Pfaff một lần nữa.
Argentina hiên ngang tiến vào chung kết và đối thủ là Tây Đức. Albiceleste thể hiện sự áp đảo bằng việc vượt lên dẫn 2-0 nhưng bằng bản lĩnh và sự lạnh lùng, Những cỗ xe tăng kịp đưa trận đấu về vạch xuất phát 10 phút trước khi trận đấu kết thúc. Kịch tính được đẩy lên tột độ.
Sau đó, một tình huống tranh chấp bóng bổng tại vòng tròn trung tâm chật chội. Maradona thấp bé đánh đầu sang phải rồi nhận lại quả bóng. Hai bóng áo xanh đang ập đến và 2 cầu thủ khác chặn đường số 10 ở phía trước. Maradona phát hiện Burruchaga đang chạy chỗ và lập tức tung ra cú chọc khe. Trái bóng khéo léo luồn qua phòng tuyến Tây Đức và đáp xuống đúng đà chạy của tiền đạo bên phía Argentina.
Burruchaga dốc bóng và dứt điểm chéo góc đánh bại thủ thành đối phương trong tình huống đối mặt, ấn định chiến thắng 3-2 cho Albiceleste. “Anh ấy đã cho tôi đường kiến tạo tuyệt vời nhất sự nghiệp tôi từng được nhận, theo cái cách chỉ có anh ấy mới làm được”, tác giả bàn thắng cuối cùng của Mexico 86 nhớ lại.
Một lần nữa, Maradona tỏa sáng vào thời điểm sống còn để đưa Argentina đến chức vô địch. Đó là pha kiến tạo thứ 5 của ông tại giải đấu, ngoài ra còn ghi 5 bàn thắng khác. Đồng nghĩa số 10 của Albiceleste đã in dấu giày vào 10 trên tổng số 14 bàn thắng của đội nhà và thống kê khác cho thấy ông đóng góp một nửa tổng số cú sút trúng đích. Xuyên suốt lịch sử các kỳ World Cup, chưa ai phủ cái bóng lên cả giải đấu như vậy.
Trên chuyến bay trở về quê nhà, các vị lãnh đạo liên đoàn bóng đá Argentina ngồi ghế hạng thương gia còn những nhà vô địch thế giới ngồi ghế phổ thông. Cũng chẳng có lễ mừng công nào được liên đoàn tổ chức dù cả đất nước nô nức mở hội. Tuy nhiên, chiến công hiển hách của Maradona và các đồng đội vẫn được vinh danh tại Casa Rosada, dinh thự chính phủ Argentina.
Trong khoảnh khắc số 10 vĩ đại giơ cao cúp vàng trước sự hô vang của hàng vạn người hâm mộ, ông không hề biết rằng sẽ chẳng bao giờ ông được hạnh phúc như vậy lần thứ hai.