Để bắt được thú rừng như rắn, kỳ tôm, cheo, chồn... họ phải đi dọc những con suối, dòng sông và đối diện với rất nhiều rủi ro. Họ cũng quên rằng, việc săn bắt này là vi phạm pháp luật.
Trắng đêm tìm thú rừng
Thời điểm nông nhàn, người dân ở các địa phương không quá bận bịu với công việc, ban ngày họ lên rừng tìm kiếm rau bếp, đọt mây (món ăn đặc sản của người dân bản địa Lâm Đồng), đêm về họ lại tìm đến cánh rừng già, dọc theo các con sông, con suối để tìm bắt thú rừng. Những con thú họ thường bắt là kỳ tôm, rắn, chim... Việc đi săn thú rừng không hề đơn giản. Chúng tôi tìm đến một xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) để theo dấu cùng thợ săn nơi đây.
Thuyết phục mãi, anh K’ P. một tay thợ săn có kinh nghiệm hơn 20 năm hành nghề cho biết, ở buôn làng của anh, cách đây gần chục năm có thú rừng phong phú và đa dạng loài. Nhiều cánh rừng có cả bò tót, trâu rừng, heo rừng... là những con thú lớn. Còn chim, gà rừng, chồn, chèo, kỳ tôm, rắn... chỉ cần tìm đến các cánh rừng nằm sau buôn làng hoặc dọc theo các con sông, suối là có thể bắt gặp. “Hiện, thú rừng khan hiếm, chúng không còn nhiều như xưa. Để bắt được thú rừng như kỳ tôm, rắn... chúng tôi phải băng qua nhiều cánh rừng giữa đại ngàn, tìm đến các con sông, suối ít người đi may ra mới thấy chúng”, anh K’ P. nói.
Để chuyến đi săn đêm được thuận lợi, anh K’ P. gọi thêm 5 thanh niên người Mạ của buôn làng đi cùng và yêu cầu nhóm thợ săn chuẩn bị sẵn “đồ nghề” để khi xế chiều là cả nhóm xuất phát. Khoảng 18h, nhóm thợ săn bắt đầu rời làng, băng rừng tìm đến các dòng sông, con suối để săn thú. Những con suối, dòng sông nằm giữa đại ngàn, cách buôn làng hàng chục km là vị trí mà nhóm săn đêm chọn để hành nghề. Được biết, vào thời điểm này, thú rừng thường đi kiếm ăn ở hai bên bờ sông, suối. Để bắt được chúng, dụng cụ của nhóm thợ săn đêm thường là khẩu súng cồn tự chế; cây kẹp chuyên dụng để bắt rắn, kỳ tôm; lưới đựng và những chiếc đèn pin...
Dọc theo con đường mòn giữa cánh rừng, lúc này, trời đã tối sẩm, tiếng chim, thú rừng hoạt động về đêm bắt đầu cất tiếng kêu báo hiệu đêm đến. Để di chuyển, họ phải nhờ đến những chiếc đèn pin có độ chiếu sáng cao. Hơn 30 phút đi bộ giữa rừng sâu, họ đến đoạn giữa một khúc sông. Lúc này, giữa đại ngàn, màn đêm đã bao trùm, những chiếc đèn pin trên đầu các thợ săn là công cụ duy nhất để soi đường tìm thú. Anh K’ M. một thợ săn trong nhóm cho biết, thời điểm này rất hiếm gặp thú rừng.
Để bắt được thú rừng không hề đơn giản, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và đặc biệt phải kiên nhẫn tìm đến cây rừng, bụi rậm dọc theo các con sông, suối mới thấy được chúng... Anh K’ P. nhấn mạnh: “Mỗi lần soi đèn vào cành cây rừng, bụi rậm phải kiên nhẫn và tỉ mỉ. Đối với giới thợ săn chỉ cần soi đèn pin lướt qua là có thể phát hiện thú rừng. Mỗi con có đặc điểm riêng. Các con thú trên cạn như chim, gà rừng, cheo, kỳ đà, kỳ tôm... chỉ cần ánh đèn soi qua là ánh mắt phát sáng. Đối với rắn thì phần đuôi và thân con sẽ lộ rõ khi soi vào nó”.
Cũng theo anh K’ P. việc di chuyển vào ban đêm, dọc theo các con suối, dòng sông qua đám bụi rậm và thậm chí đi dưới nước rất khó khăn... Rất nhiều trường hợp những thợ săn mới hành nghề bị té đập vào đá khi đi dưới nước, gây chấn thương ở chân, tay và đầu.
Di chuyển theo dòng suối, nhóm thợ săn bắt đầu chia người thành hai nhóm đi dọc theo hai bờ sông, mỗi nhóm có 3 người, cầm 1 súng cồn, dụng cụ bắt rắn, kỳ tôm và chiếc đèn pin trên đầu để soi. Trong lúc mọi người đang mải mê với chiếc đèn pin trên đầu soi khắp cành cây, bụi rậm tại hai bờ sông, anh K’ Đ. - một thành viên khác của nhóm huýt sáo ra dấu phát hiện thú rừng. Lúc này, nhóm thợ săn bắt đầu tập hợp lại, bao vây thú rừng. Anh K’ Đ. soi thẳng đèn pin vào một khu cành cây rậm rạp, dưới ánh sáng của chiếc đèn pin là một con trăn nặng hơn 2kg. Con trăn nằm cuốn mình trên cành cây.
Nhận thấy con trăn ở một vị trí khá cao, không thể dùng tay bắt trực tiếp, anh K’ Đ. nhắc khéo với cả nhóm, sẽ nhẹ nhàng dùng cây kẹp bắt rắn để kẹp thẳng vào đầu con trăn. Đúng như dự tính, anh K’ Đ. di chuyển cây kẹp bắt rắn lại gần đầu con trăn và nhanh tay kéo dây kẹp chặt. Lúc này, con trăn cố gắng vùng vẫy và thoát thân nhảy xuống sông. Biết trước loài trăn thường nhảy xuống sông hoặc trốn vào bụi rậm bên cạnh nếu bị tấn công nên cả nhóm đợi sẵn ở bờ sông và nhanh như cắt dùng tay không bắt con trăn. Con trăn bị tóm gọn và nhanh chóng được bỏ vào lưới đựng.
Tiềm ẩn rủi ro và phạm luật!
Dọc theo dòng sông một đoạn khoảng chục mét, lần này là anh K’ P. ra dấu và soi đèn pin thẳng vào mắt thú rừng. Lúc này là một con kỳ tôm khoảng 1kg. Do vị trí con kỳ tôm nằm trên cành cây cách mặt đất chỉ khoảng 1m nên anh K’ P. nhanh như cắt dùng tay không tóm gọn con kỳ tôm. Nhìn cách anh bắt kỳ tôm, nhiều người phải nể. Được biết, kỳ tôm có bộ răng rất sắc bén và có móng nhọn... nếu sơ suất bị kỳ tôm cắn sẽ bị chấn thương nặng.
Việc vào tận rừng sâu đi săn thú ban đêm cũng tiềm ẩn bao hiểm nguy. Nhiều trường hợp thợ săn đêm, trong lúc di chuyển dọc theo bờ sông bị trật chân ngã và có người bị đập đầu xuống đá gây chấn thương nghiêm trọng. Và, việc không may di chuyển vào đoạn sông sâu bị nước cuốn trôi thường gặp, rất may chưa có thương vong.
Một thành viên trong nhóm đi săn đêm tiết lộ, việc đi săn, bắt kỳ tôm, rắn... bằng tay khiến cho nhiều người bị rắn độc cắn suýt mất mạng. “Theo đó, cách đây vài tháng, trong lúc đi săn đêm, một thanh niên trong nhóm săn khác tại buôn làng đã không may bị rắn độc cắn. Được biết, anh này chỉ mới bắt đầu đi săn vài lần nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết các loài rắn vào ban đêm. Khi phát hiện một con rắn nằm trên cành cây, anh ta đã nhìn nhầm là con rắn ráo (một loài rắn không có độc tố) nên dùng tay không bắt và bị rắn cắn vào bàn tay. Thấy con rắn rất bạo, cả nhóm nhìn kỹ lại thì bàng hoàng, lo sợ vì phát hiện là rắn độc. Rất may, mọi người kịp thời đưa anh tới bệnh viện cứu chữa”, anh K’ P. cho biết thêm.
Trong chuyến đi săn hôm đó, nhóm thợ săn bắt được rất nhiều kỳ tôm, rắn và nhiều loài thú khác. Đáng nói, các loài thú này nằm trong danh sách được bảo tồn. Theo đó, sau khi bắt được thú rừng, nhóm thợ săn chia nhau để ăn hoặc đem bán cho các con buôn trong xã, thị trấn và một số quán nhậu có nhu cầu để trang trải cuộc sống.
Theo một cán bộ hạt Kiểm lâm Lâm Đồng, việc săn bắt thú rừng vào ban đêm ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, cấm săn bắt thú rừng bằng mọi hình thức và sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, một số người vẫn săn bắt thú rừng cả ngày lẫn đêm. Nhiều thú rừng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tận diệt.
Hoàng Minh