Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình mua bán người tổ chức tại Hà Nội sáng 18/7, Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, với nỗ lực trong công tác đấu tranh nên tình trạng mua bán người đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, tình hình vẫn rất phức tạp khi số vụ mua bán người trên mạng xã hội tăng cao, khó kiểm soát. Cục Cảnh sát hình sự thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người với 78 đối tượng, 103 nạn nhân.
Gần đây xuất hiện các hành vi mua bán người vì mục đích vô nhân đạo như mua bán trẻ sơ sinh, mua bán thận. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà có cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng,...
Theo Thượng tá Trình, bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ, làm quen trực tiếp với nạn nhân, các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển sang sử dụng các mạng xã hội, internet để tiếp cận nạn nhân.
Chúng hứa hẹn với nạn nhân về "việc nhẹ lương cao" tại Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Lào, sau đó buộc nạn nhân làm việc bất hợp pháp, thậm chí bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Hay, lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao sau đó lừa bán hoặc bóc lột nạn nhân.
Thủ đoạn khác là trực tiếp tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh; rủ rê đi chơi, du lịch, làm thuê với thu nhập cao để lừa phụ nữ, trẻ em gái ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đưa về các khu vực thành thị, bán cho các nhà hàng, quán karaoke, massage,...
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng để tiếp cận những người đang gặp khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu để hợp thức hóa thủ tục, sau đó bán cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao.
Chúng lập các hội, nhóm kín "cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội Facebook, Zalo…, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh.
Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ.
Đặc biêt, một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi quay trở về Việt Nam đã dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác để kiếm lợi. Nhiều vụ án ghi nhận những đối tượng này đã lừa bán hàng xóm, bạn bè, thậm chí là người thân trong gia đình.
Theo thống kê, tội phạm mua bán người tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Ngoài ra, một số địa phương có tỷ lệ tội phạm mua bán người cao là Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thời gian gần đây, do Trung Quốc xây dựng hàng rào ở khu vực biên giới nên các đối tượng mua bán người có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.
Trong khi đó, tình hình mua bán người trong nội địa có xu hướng gia tăng. Các đối tượng chủ yếu ép nạn nhân bán dâm hoặc cưỡng bức lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 15 vụ/41 đối tượng mua bán người trong nội địa, 35 nạn nhân.
Trong đó, phát hiện, điều tra 13 vụ mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi xảy ra tại các cơ sở Karaoke, Massage với 34 đối tượng/28 nạn nhân.
Dự báo, từ nay đến hết năm 2024, tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Giải pháp là gì?
Theo Thượng tá Đinh Văn Trình, để giảm thiểu tội phạm mua bán người, trong thời gian tới, chúng ta cần khẩn trương xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) theo đúng tiến độ đề ra (dự kiến thông qua năm 2024) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Tiếp theo, về mặt nhận thức phải xác định rõ, tội phạm mua bán người là một hiểm họa đối với loài người; xâm phạm đến quyền con người, quyền trẻ em, cả thế giới đang lên án.
Thực hiện công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, trong đó, lực lượng Cảnh sát hình sự phải là nòng cốt, đi đầu. Trước mắt, lực lượng cảnh sát hình sự tập trung thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024 (từ 1/7 đến 30/9/2024).
Đẩy mạnh phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng.
Đặc biệt, cần kịp thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn, quán triệt các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống loại tội phạm này. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao.
Tập trung vào địa phương có địa bàn trọng điểm cấp huyện, xã về tình trạng đưa người di cư trái phép, các tuyến có dấu hiệu phức tạp về mua bán người. Chú trọng phòng ngừa từ cơ sở, nhất là nhóm có nguy cơ cao (người lao động mất việc, giãn việc; học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp,…)…
Tăng cường hợp tác quốc tế, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc về phòng, chống mua bán người....
Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết, qua tuyến Việt Nam – Lào, nạn nhân sẽ bị lừa, dụ dỗ, bán vào các cơ sòng bạc (casino), cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến với quy mô rất lớn tập trung ở đặc khu "tam giác vàng". Nhiều người lao động tại khu vực này bị mua bán, cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, bạo hành; bị lôi kéo tham gia các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, mại dâm.
Với tuyến Việt Nam – Campuchia, các nạn nhân cũng bị "đẩy vào" các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến, khu vui chơi, giải trí, trường gà. Hiện có hàng nghìn người Việt Nam lao động trái phép tại các cơ sở trên.
Tuyến Việt Nam – Trung Quốc, sau dịch Covid-19, thì đa số các nạn nhân bị lừa, bán sang chủ yếu là kết hôn, bán dâm…