Thời gian vừa qua liên tiếp những vụ hóa đơn tiền điện giống nhau trong nhiều tháng, có nhiều trường hợp tiền điện sử dụng chỉ vài trăm nghìn nhảy vọt lên hơn chục triệu đồng khiến người dân rất bức xúc.
Ngay sau đó, EVN đã lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các đơn vị điện lực.
Bất khả kháng ghi tiền điện khách hàng vắng nhà
Ngày 3/7, đoàn kiểm tra của Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị khách hàng trong thời gian nắng nóng năm 2020 tại Công ty Điện lực Tân Phú thuộc EVNHCMC.
Ông Đặng Hoài Bắc, giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú (thuộc Tổng Công ty điện lực TP.HCM), cho biết, trong tháng 6/2020, công ty đã thực hiện phúc tra 16.524 khách hàng, trong đó có 12.873 khách hàng sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên và đã thực hiện kiểm tra, phúc tra 100%. Theo ông Bắc, kết quả kiểm tra không có trường hợp ghi điện viên ghi sai do chủ quan.
Cụ thể, trong số 288 trường hợp yêu cầu thắc mắc liên quan đến công tơ và chỉ số công tơ, có 39 trường hợp có thắc mắc về chỉ số thì có 10 trường hợp phải điều chỉnh hoá đơn. Đây là những trường hợp bất khả kháng, khách hàng không có nhà nên phải tạm tính bằng tháng trước và sau khi khách hàng có thắc mắc thì phải phúc tra lại sau đó được điều chỉnh, rà soát lại để truy thu/thoái hoàn tiền cho khách hàng.
Còn về công tác lắp đặt và quản lý công tơ, đơn vị này cho hay đến tháng 6/2020 có 100.437 công tơ điện tử ghi chỉ số từ xa trên tổng số 115.508 công tơ, chiếm 86,95% và số lượng công tơ ghi trực tiếp là 15.071, chiếm 13,05%. Với công tơ thay hư cháy hỏng sẽ được tiếp nhận thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng, được thay thế kịp thời trong vòng 3 ngày, trường hợp mất điện xử lý trong 2 ngày.
Bộ Công Thương yêu cầu phúc tra hóa đơn tiền điện tăng 30% trở lên
Theo báo Thanh Niên, tất cả các trường hợp có điện năng tăng, giảm 30% so với tháng trước đều được phúc tra thông qua 3 lần: lần 1 vào ngày ghi điện, lần 2 ngay sau khi nhận dữ liệu ghi điện từ máy tính bảng vào chiều ngày ghi điện và lần 3 vào ngày sau khi ngày ghi điện. Các phúc tra viên sẽ phúc tra các trường hợp có mã ghi tay và có tỷ lệ sản lượng tăng giảm bất thường độc lập với bộ phận ghi điện.
Theo số liệu đăng tải trên VTV, cho thấy cả nước đã có hơn 3,1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị giải quyết triệt để thắc mắc, khiếu nại của các khách hàng về hóa đơn tiền điện. Kết quả giải quyết này phải được đăng công khai trên website của tập đoàn và các tổng công ty điện lực.
Liên quan tới một số sai sót trong ghi chỉ số, lập hóa đơn trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc EVN - ông Võ Quang Lâm cho biết đó là sai sót, lỗi của một số cá nhân. Hệ thống đo ghi chỉ số vẫn hoạt động ổn định. Việc trang bị và vận hành công tơ được EVN thực hiện theo đúng Luật đo lường.
Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, từ tháng 7 này, Tập đoàn sẽ tăng cường công tác kiểm tra chéo trong việc đo ghỉ chỉ số, lập hóa đơn, hoàn chỉnh hơn quy trình nghiệp vụ kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm một cách hợp lý.
Trúc Chi (tổng hợp)