Trần Ngọc Phúc (SN 1983, hay còn gọi là Phúc XO) nổi tiếng trên mạng xã hội khi nhiều Youtuber đăng tải, phản ánh là người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam. Phúc XO đeo trên người gần 20kg vàng mỗi khi xuất hiện trước đám đông và còn sử dụng nhiều vật dụng bằng vàng như: Siêu xe mạ vàng, mũ vàng, dàn xe máy BKS ngũ quý cực độc, siêu xe ô tô, mô tô hiếm có tại Việt Nam.
Phúc XO cho hay số vàng anh ta mang trên người nặng hơn 13kg vàng trị giá hơn 13 tỷ đồng, gồm "combo" dây chuyền nặng hơn 6kg, 4 chiếc nhẫn mỗi chiếc khoảng 1/2kg, 2 vòng vàng đeo tay hơn 3kg..
Tuy nhiên, đối với Phúc XO, việc đeo vàng trên người dường như vẫn chưa đủ thỏa mãn. Trong dịp Tết vừa qua, Phúc đã tậu thêm cho mình 3 chiếc môtô hàng độc được mạ vàng. Trong đó, chiếc Harley-Davidson sau khi mạ vàng có giá trị 2,7 tỷ đồng. Còn chiếc Honda sau khi mạ vàng có tổng giá trị 1,5 tỷ đồng. Một chiếc xe khác đang trong quá trình hoàn thiện có giá trị khủng hơn, khoảng hơn 5 tỷ đồng. Tính tổng, 3 chiếc mô tô mạ vàng của Phúc có giá trị gần 10 tỷ đồng.
Khi Phúc XO bị Công an tạm giữ để điều tra, nhiều người đặt ra câu hỏi, số tài sản khủng như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật Sư Chính Pháp – đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Theo thông tin ban đầu thì vị đại gia này vừa bị Công an TP.HCM tạm giữ để điều tra vì có liên quan đến hoạt động ma tuý tại tụ điểm kinh doanh do chính Phúc làm chủ. Đến nay vẫn chưa có kết luận nào từ phía cơ quan điều tra về vụ việc này do đó tôi chưa thể đưa ra nhận định chính xác”.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì qua quá trình điều tra, xác minh nếu hành vi của Phúc chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phúc hoặc cơ sở kinh doanh do Phúc làm chủ.
Về trách nhiệm dân sự, nếu xác định số tài sản của Phúc là vật chứng của vụ án, nghĩa là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án thì số tài sản được xác định là vật chứng này sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 106, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
“Cụ thể, nếu tài sản là vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; nếu vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; nếu vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Như vậy, nếu số tài sản của Phúc có được do chiếm đoạt trái pháp luật của người khác mà có thì sẽ bị thu hồi để trả lại cho chủ sở hữu”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Trong trường hợp số tài sản của Phúc có được là do kinh doanh hợp pháp, không phải là vật chứng của vụ án thì cơ quan điều tra sẽ không xử lý đối với số tài sản này. Nếu hành vi phạm tội của Phúc gây thiệt hại cho chủ thể, cá nhân, tổ chức, cơ quan,… thì Phúc phải dùng tài sản của mình để bồi thường dân sự cho những đối tượng đó.
“Như vậy đối với số tài sản này của Phúc có bị ảnh hưởng hay không và ảnh hưởng ra sao thì còn phải chờ kết quả điều tra, giải quyết từ phía cơ quan tố tụng”, vị luật sư cho hay.