Phương án tăng tuổi nghỉ hưu nào là hợp lý nhất

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu nào là hợp lý nhất

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Chủ nhật, 21/01/2018 07:28

“Không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Bởi nếu tăng dàn trải, số đông lao động nếu không đồng thuận có thể gây phản ứng chính sách và khó đạt hiệu quả khi thực hiện”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nói.

Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62, nữ là 60 đang tiếp tục là chủ đề có nhiều ý kiến tranh cãi. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên ủy ban về các vấn đề xã hội của QH.

Xã hội - Phương án tăng tuổi nghỉ hưu nào là hợp lý nhất

ĐB Nguyễn Ngọc Phương: "Việc hiện nay là phải tính toán tăng tuổi hưu làm sao cho hợp lý".

PV: Trước việc tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến lo ngại nó sẽ giúp việc “tham quyền cố vị” với đối tượng quản lý. Ông có chung quan điểm như vậy không, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh là mục đích tăng tuổi nghỉ hưu không phải để “tham quyền cố vị” như nhiều người lo ngại.

Mục đích chính của việc sửa đổi điểm về quy định tuổi nghỉ hưu trong luật Lao động sửa đổi là để chống vỡ quỹ trong tương lai. Bởi vì, tuổi thọ con người đang dần được nâng lên và thời kỳ dân số vàng của VN sắp qua, việc nâng tuổi hưu là chuẩn bị cho tương lai.

Lãnh đạo chỉ có một vài người chứ đâu phải tất cả đều là lãnh đạo. Tôi cho rằng, tư tưởng lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu để “tham quyền cố vị” xuất phát từ việc số người muốn về hưu sớm đông hơn số người muốn về hưu muộn. Việc lo ngại này theo tôi là không đúng, không hợp lý.

PV: Thực tế, chúng ta đang có số lượng cử nhân thất nghiệp rất lớn, nếu tăng tuổi hưu có thể sẽ tiếp tục làm mất đi cơ hội của những người này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Việc cử nhân thất nghiệp là lỗi của quy hoạch và cũng không thể giải quyết bằng tuổi hưu. Số người học ra thất nghiệp là lỗi do quy hoạch đào tạo. Nhu cầu về lao động vẫn rất lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn các tỉnh cần lao động nhưng không có đủ. Quan trọng nhất là chất lượng lao động.

PV: Như ông trao đổi, mục đích chính của việc tăng tuổi hưu là chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là chống vỡ quỹ. Tuy nhiên, vấn đề này đã từng được đề xuất nhưng vấp phải sự không đồng thuận. Vậy làm sao để tránh "vết xe đổ" này, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng như vậy. Thực tế, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải đến nhiệm kỳ QH này mới bàn. Tuy nhiên, số đông người lao động là trong các nhà máy, xí nghiệp, y tế, giáo dục không đồng tình nên không được thông qua ở nhiệm kỳ trước.

Vấn đề ở đây là làm sao tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý. Quan điểm của tôi là khoanh vùng từng lĩnh vực phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu trước, các lĩnh vực khác chưa phù hợp sẽ tăng sau. Không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Bởi nếu tăng dàn trải, số đông lao động nếu không đồng thuận có thể gây phản ứng chính sách và khó đạt hiệu quả khi thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.