Đã hơn 18 tháng trôi qua kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, kích hoạt làn sóng trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ phương Tây đối với nhiều mặt hàng của Nga, bao gồm khí đốt và dầu mỏ.
Nhưng sức hấp dẫn của những mặt hàng lấp lánh như kim cương là rất khó cưỡng lại. Mặc dù tác động của các đòn trừng phạt đã lan tỏa tới thị trường đá quý toàn cầu, nhưng kim cương Nga vẫn chưa bị phương Tây “cấm cửa” hoàn toàn.
Nga là nước xuất khẩu kim cương lớn nhất thế giới tính theo số lượng, với việc công ty nhà nước Alrosa khai thác gần 1/3 tổng số kim cương được sản xuất ở nước này vào năm 2021.
Để ngăn tiền chảy vào “hòm chiến tranh” của Điện Kremlin, Mỹ – thị trường kim cương thành phẩm lớn nhất thế giới – đã nhanh chóng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu kim cương thô từ Nga, cũng như kim cương được chế tác ở Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm một phần như vậy vẫn để lại khoảng trống cho việc lách các hạn chế.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Vương quốc Anh hồi đầu năm nay đã công bố lệnh cấm hoàn toàn đối với kim cương Nga. Nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã không thể trừng phạt mặt hàng này do vấp phải sự phản đối gay gắt của Bỉ, nơi ngành kinh doanh đá quý đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Lần này, trong nỗ lực nhằm “vá” các lỗ hổng trong chế độ trừng phạt, các nước G7 cũng như các quốc gia thành viên EU có ý định cấm hoàn toàn việc nhập khẩu kim cương Nga, tờ New York Times đưa tin hôm 28/8.
Theo tờ báo Mỹ, dự kiến, các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào tháng 9 năm nay và sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024, sau mùa mua sắm bận rộn mừng Năm Mới.
Cân bằng giữa tham vọng và hiện thực
Sau hơn 18 tháng thích nghi, ngành công nghiệp kim cương có vẻ đã sẵn sàng đón nhận các biện pháp trừng phạt từ Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) – gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ – và EU, theo đó cấm nhập khẩu kim cương khai thác ở Nga, bao gồm cả những sản phẩm được cắt và đánh bóng ở các nước khác.
“Các biện pháp trừng phạt hiện tại của Mỹ chỉ bao gồm những viên kim cương thô từ Nga hoặc những viên đá quý được chế tác ở Nga”, ông Paul Zimnisky, một nhà phân tích về ngành công nghiệp kim cương có trụ sở tại thành phố New York, cho biết. “Với 90% kim cương được cắt và đánh bóng ở Ấn Độ, và do đó có thể được phân loại là đá quý của Ấn Độ, các hạn chế hiện hành không nghiêm ngặt như người ta tưởng”.
Tuy nhiên, nỗ lực mới nhằm “cai nghiện” những thứ lấp lánh từ Nga dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều nước giàu có.
Ông Brad Brooks-Rubin, cố vấn cấp cao của Văn phòng Điều phối Trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết G7 là những nước mua kim cương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ.
“Bằng cách cắt giảm phần lớn nhu cầu của họ, nếu lệnh cấm nhập khẩu được thông qua, kim cương Nga sẽ có một con đường hẹp hơn để thâm nhập thị trường”, ông Brooks-Rubin nói. “Trọng tâm của tất cả các cuộc thảo luận là làm thế nào để nhắm mục tiêu vào doanh thu kim cương của Alrosa và Nga vì đây là một nguồn để lấp đầy “hòm chiến tranh” của Điện Kremlin.
Thông báo chính thức về các biện pháp trừng phạt của G7 dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 9, và các nhà đàm phán vẫn đang hoàn thiện các điều khoản chính xác để theo dõi và truy xuất nguồn gốc từng loại đá quý cũng như các thủ tục hải quan đi kèm, tờ New York Times cho biết.
Dự kiến, khi các biện pháp trừng phạt mới này có hiệu lực vào tháng 1 năm sau, người tiêu dùng có thể thấy giá mặt hàng trang sức tăng vì thiếu nguồn kim cương từ Nga, nhưng mức tăng sẽ là dần dần chứ không phải đột ngột.
Ngành công nghiệp đá quý đã được chuẩn bị trước cho điều này, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu một ngành, chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, được tổ chức dựa trên chất lượng, kích thước và màu sắc của đá – chứ không phải xuất xứ của chúng – có thể phân loại đá quý và tạo ra các giấy tờ chính xác để phân loại chúng theo nguồn gốc hay không.
Thách thức đó có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do có nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng khi kim cương thực hiện hành trình xuyên quốc gia, bắt đầu từ một khu mỏ, thông qua mạng lưới trung gian toàn cầu khó kiểm soát, và cuối cùng đến tay người tiêu dùng hoặc sử dụng trong công nghiệp.
Kim cương có thể được trao tay 20-30 lần trong hành trình từ mỏ đến thị trường, theo ông Hans Merket, nhà nghiên cứu của Cơ quan Thông tin Hòa bình Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu độc lập. “Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng phù hợp giữa tham vọng và hiện thực”, ông Merket nói, vì có thể mất “nhiều năm thay vì vài tháng để đưa mọi thứ đi đúng hướng và tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp này”.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những thách thức có thể nảy sinh. Nga nổi tiếng là nơi sản xuất những viên kim cương nhỏ và chủ yếu được bán với số lượng rất lớn. Ở giai đoạn đầu, các biện pháp trừng phạt mới của G7 có thể sẽ chỉ áp dụng đối với những viên đá thành phẩm có trọng lượng từ 1 carat trở lên.
Thách thức mới, đơn hàng mới
Bất chấp các hạn chế, các nhà phân tích về ngành kim cương cho biết, lượng xuất khẩu kim cương của Nga vẫn gần bằng với mức trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát, nhưng một số địa điểm nhập khẩu đã thay đổi.
Bà Karen Rentmeesters, phát ngôn viên của Antwerp World Diamond Center, đại diện cho ngành kim cương trong thành phố của Bỉ, cho biết nhập khẩu chính ngạch đá quý thô từ Nga của họ đã giảm khoảng 95% so với mức trước xung đột do tác động của các biện pháp trừng phạt đối với dòng chảy và thanh toán thương mại.
Trung Quốc hiện đã trở thành một “bến đỗ” mới quan trọng cho kim cương Nga. Đồng thời, các trung tâm cắt và đánh bóng kim cương mới ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Armenia và Belarus đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về khối lượng đá quý thô nhập từ Nga.
Dubai – với vị trí địa lý thuận lợi giữa Đông và Tây – gần đây đã đón nhận một làn sóng kinh doanh lớn từ Nga và được hưởng lợi đáng kể từ các lệnh trừng phạt hiện tại.
Ấn Độ, với thành phố Surat là nơi 90% đá quý thô của thế giới được cắt và đánh bóng, đã tiếp tục xử lý kim cương Nga mà không gặp rắc rối nào. Bất chấp áp lực từ phương Tây, Thủ tướng Narendra Modi chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga, và cũng chưa thu hẹp quan hệ kinh tế với Điện Kremlin.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã đóng băng một số giao dịch kim cương được thực hiện bởi các thương nhân Ấn Độ bị nghi ngờ lấy nguyên liệu từ Nga, đặt ra thách thức cho các thương nhân Surat và Mumbai. Và nhìn chung, ngành này cho biết hàng nghìn công việc cắt và đánh bóng kim cương với mức lương thấp đang gặp rủi ro.
Trong chiến lược bù đắp thiệt hại tiềm tàng cho thương mại địa phương và duy trì việc làm, chính phủ Ấn Độ và ngành công nghiệp đá quý nước này đã tăng đáng kể đầu tư vào sản xuất kim cương nuôi cấy (lab-grown diamond) yêu cầu cắt và đánh bóng giống như với đá tự nhiên. Nhưng chính làn sóng xuất khẩu kim cương nhân tạo của Ấn Độ sang Mỹ gần đây đã khiến giá trị thị trường của loại đá quý này sụt giảm.
“Người Nga đã tăng cường bán kim cương trong những tháng gần đây trong nỗ lực giành lại thị phần đã mất vào năm ngoái sau những gián đoạn trong giao dịch”, ông Zimnisky, nhà phân tích có trụ sở tại thành phố New York, cho biết.
Tuy nhiên, giá kim cương đã giảm 18% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2/2022, theo chỉ số giá kim cương thô toàn cầu được công bố hồi tháng 6, do sự phổ biến của kim cương nhân tạo, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc, bối cảnh kinh tế vĩ mô bất định và cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Ukraine, tất cả đều góp phần tạo nên một thị trường uể oải.
“Đương nhiên, một số công ty lớn có nguồn lực tốt sẽ thích nghi, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp gia đình, vốn là nền tảng của thương mại trang sức, sẽ gặp khó khăn hơn nhiều”, bà Tiffany Stevens, giám đốc điều hành và cố vấn trưởng của Ủy ban Cảnh giác Thợ kim hoàn, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố New York, nhận định.
Minh Đức (Theo NY Times, TASS)