Hãng thông tấn Nga TASS cho hay, giữa tuần trước, từ căn cứ hải quân Baltiysk, một hạm đội gồm hơn 20 tàu chiến của Nga đã dàn trận trên biển Baltic để tham gia một đợt huấn luyện quân sự quy mô.
Nhiều tàu tên lửa và cả tàu quét thủy lôi đã tham gia vào hạm đội tập trận nêu trên, cùng với đó là các chiến đấu cơ quân sự và máy bay trực thăng nhằm đảm bảo sự thành công của “nhiệm vụ huấn luyện”, phát ngôn viên Roman Martov của Hạm đội Baltic Nga nói.
Cũng theo ông Martov, những thủy thủ đoàn của Hạm đội Baltic sẽ tiến hành các bài tập tại căn cứ hải quân Baltiysk thuộc vùng Kaliningrad trước, sau đó sẽ vươn biển, vượt sóng để thực hiện những nhiệm vụ được giao cụ thể. Kaliningrad là vùng lãnh thổ của Nga bị kẹp giữa hai quốc gia NATO Litva, Ba Lan và biển Baltic. Hạm đội cũng sẽ thực hiện các bài tập chống hạm và phòng không trong thời gian diễn ra cuộc tập trận.
“Trong số các bài tập trận trên biển, các thủy thủ đoàn của các tàu chiến thuộc những đơn vị chủ chốt của Hạm đội sẽ bắn pháo phòng không và các mục tiêu phức tạp khác nhau, tập luyện đặt thiết bị nổ, đánh bom sâu dưới biển. Nhìn chung, cuộc tập trận có sự góp mặt của 20 tàu chiến và các tàu hỗ trợ khác”, phát ngôn viên Roman Martov nói.
Nga tiến hành tập trận trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và các quốc gia NATO ngày càng căng thẳng sau sự kiện sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014. Mâu thuẫn tăng cao tới mức một số nước thành viên của khối quân sự đang vội vã tập dượt cho người dân về nguy cơ chiến tranh với Nga. Đồng thời, Mỹ cùng các quốc gia đồng minh trong khối liên tục tăng cường tích tụ quân sự ở phía biên giới với Nga, khiến Kremlin cũng có những động thái đáp trả tương tự cứng rắn.
Thụy Điển, quốc gia trung lập không phải thành viên NATO, được cho là đã phát tờ rơi để hướng dẫn 9 triệu công dân của nước này nên làm gì, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đây là lần đầu tiên Thụy Điển đưa ra cảnh báo chiến tranh kể từ năm 1961 – thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh.
Dù không phải thành viên NATO, nhưng Thụy Điển đã thông qua nhiều thỏa thuận quân sự với các quốc gia là thành viên của liên minh. Một số thành viên khác của NATO, gồm Litva và Latvia, cũng đã đưa ra những cảnh báo và khuyến nghị tương tự đối với người dân nước mình.
Ông Antoni Macierewicz, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, nói Nga có thể “thay đổi cán cân sức mạnh” tại khu vực biển Baltic thông qua việc triển khai tàu chiến và tên lửa điều hướng tầm xa tới vùng Kaliningrad. Vùng đất này được gọi là “địa danh nguy hiểm nhất châu Âu” trong bối cảnh Nga liên tục tăng cường hỏa lực đối với thành phố biệt lập này.
Sự căng thẳng giữa Nga và NATO là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia an ninh lo ngại về khả năng chiến tranh giữa hai bên.
Việc Nga chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 cùng với việc tăng cường kho vũ khí và hệ thống phòng không hiện đại, công nghệ cao, các đơn vị lục quân và hạm đội tàu ngầm của Kremlin đang trở thành yếu tố khiến Mỹ cùng các đồng minh NATO phải lo ngại thực sự.
Nga gần đây đạt được một loạt những thành tựu kỹ thuật quân sự. Theo National Interest, đáng chú ý là những vũ khí chống vệ tinh mới, xe tăng T-14 Armata, các hệ thống vũ khí phòng không và những kế hoạch chế tạo tiêm kích siêu thanh thế hệ thứ 6.
Trên thực tế, Lầu Năm Góc đã thể hiện nỗi lo ngại thông qua cách bố trí lực lượng của NATO ở Đông Âu với hy vọng có đủ khả năng để kiềm chế Nga tiến hành một “cuộc xâm lược” đối với khu vực này.
Theo nhận xét của tạp chí quân sự National Interest, nếu Nga tấn công mạnh mẽ khu vực cận Baltic thì NATO sẽ có rất ít phương án hành động khả thi. Nếu tổ chức một cuộc phản công toàn diện thì NATO cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro mà nhiều khả năng dẫn tới giao tranh kéo dài với những thiệt hại lớn.
Với tình hình mâu thuẫn “căng như dây đàn” hiện tại, cùng với tiềm năng quân sự của Nga, chỉ với hành động triển khai hạm đội tập trận gồm nhiều tàu chiến của Moscow thì các quốc gia phương Tây thuộc NATO cũng đã cảm thấy bất an và sốt sắng.
Xem thêm: Syria: Chiến đấu cơ Mỹ bất ngờ không kích vị trí quân Chính phủ ở Deir Ezzor?