Xem thường vũ khí Nga: Trả giá đắt
Chuyên gia Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ Stephen Blank và cựu nhân viên Lầu Năm góc Michael Kofman bày tỏ sự tự tin khi cho rằng, trong thời điểm hiện tại, quân sự Nga không thể chống lại bất cứ vũ khí nào đến từ quân đội của các nước phương Tây (?!)
Hai nhân vật này thừa nhận, lực lượng vũ trang Nga có một số phát triển nâng tầm trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ so với những yêu cầu thực tế, sau khi quan sát các vũ khí trong buổi diễu binh Ngày Chiến thắng hôm 9/5.
Theo Kofman, hệ thống phòng không S-400 của Nga là tốt, nhưng chỉ đủ đáp ứng với các máy bay thế hệ thứ tư, trong khi Mỹ đã biên chế nhiều máy bay thế hệ thứ 5. Nói một cách tượng trưng, “việc dùng S-400 đấu với chiến đấu cơ Mỹ không khác gì dùng kỵ binh đối đầu xe tăng”.
Xe tăng Armata của Nga cũng được đánh giá cao, nhưng để so sánh với Mỹ là không phù hợp khi Nga do biên giới rộng lớn nên cần một loại vũ khí như vậy, còn Mỹ thì không.
Washington có hải quân và không quân hùng mạnh mà Nga không thể cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chính là Nga thực sự không đủ tiềm lực tài chính để sản xuất nhiều loại xe tăng hiện đại như Armata.
Chuyên gia từ phía Mỹ cũng phân tích, công nghệ áp dụng trong các loại vũ khí độ chính xác cao ở Nga vẫn ở mức “khá nguyên thủy”. “Điều này được chứng minh bởi các cuộc tấn công của Nga vào Syria mà thường gây ra thiệt hại cho dân cư”, Kofman cho hay.
Chuyên gia này kết luận, nhìn chung, xét về mức độ phát triển công nghệ, Nga đang thụt lùi 15-20 năm sau phương Tây. Có nghĩa rằng sự phát triển hiện tại của Nga tương đương với sự phát triển của NATO trong những năm 1990.
"Liệu bạn có thực sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ tấn công các nước Baltic?"
Theo bình luận viên Anton Kulikov của tờ Pravda.Ru, sự so sánh từ phía Mỹ quá khập khiễng. Rõ ràng, việc khắc phục các vấn đề trong quân đội Nga sẽ mất một thời gian dài, trong khi hầu hết các nguồn lực của đất nước không phải chỉ tập trung cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng của Nga cũng ít hơn đến 10 lần, nếu so với Mỹ, chưa kể đến ngân sách hỗ trợ từ phía các đồng minh NATO của nước này.
Những tuyên bố nói rằng “đây là thời điểm phương Tây có thể hủy diệt quân đội Nga” từ phía các chuyên gia Mỹ được cho là sự gây hấn khi rõ ràng Nga chưa bao giờ khuếch trương sức mạnh của mình, hay đe dọa tấn công các quốc gia phương Tây.
Tổng thống Putin từng đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn năm ngoái với Bloomberg về vấn đề an ninh ở Đông Âu rằng, “các nước NATO có khoảng 600 triệu dân, trong khi dân số Nga chỉ là 146 triệu người. Dù chúng tôi là cường quốc hạt nhân, nhưng liệu bạn có thực sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ tấn công các nước Baltic?"
Đối với các cuộc diễu binh quân sự, Nga không phải là quốc gia duy nhất có các hoạt động này với mục đích chính là biểu dương sức mạnh quân sự và giới thiệu những thành tựu hiện đại, thay vì một sự đe dọa tấn công như phương Tây vẫn cảnh báo, Anton Kulikov cho hay.
Đọc thêm>>> Nga huy động S-400 tập trận ứng phó trước tên lửa Triều Tiên
Quốc Vinh