Giờ đây, các nhà sư ở chùa Thiếu Lâm đang tham gia đủ mọi hoạt động kinh doanh, từ quảng cáo tìm nhân tài cho tới trình diễn võ thuật, nghệ thuật với các tour khắp thế giới, thậm chí là mở trường dạy võ. Tất cả những hoạt động kinh doanh này đã được bắt đầu, kể từ khi hòa thượng Thích Vĩnh Tín trở thành trụ trì ngôi chùa vào năm 1999.
Tuy nhiên, ý tưởng biến Thiếu Lâm tự, ngôi chùa được xây dựng vào năm 495 này, thành điểm kiếm tiền kiểu Mỹ của hòa thượng Thích Vĩnh Tín, đã trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, cho dù ông từng tuyên bố: “Chùa Thiếu Lâm là chiếc nôi của võ thuật vì thế chúng ta phải có trách nhiệm lớn trong việc quảng bá võ thuật”.
Giáo sư Chu Hiếu Chính của trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, Thiếu Lâm tự đã đi quá xa trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. "Không nên điều hành ngôi chùa như một doanh nghiệp", ông nói.
Theo giáo sư Chính "chùa chiền phải là nơi để các tín đồ tới gửi gắm tâm linh. Biến chùa thành chỗ kiếm tiền là hoàn toàn sai trái".
Thiếu Lâm Tự đã trở thành một tập đoàn kinh doanh lớn
Ngày 17/8, tờ báo điện tử “Dị võng” hàng đầu Trung Quốc đã đăng bài “Thiếu Lâm Tự - thương giới chí tôn”, cũng đã mổ xẻ chuyện làm ăn, kinh doanh kiếm tiền của Thích Vĩnh Tín và Thiếu Lâm Tự.
Bài báo viết, từ năm 1999, sau khi Thích Vĩnh Tín trở thành Phương trượng đời thứ 30, Thiếu Lâm Tự đã bước vào thời kỳ phát triển siêu tốc và đánh mất đi hình ảnh của các đệ tử Phật gia truyền thống trong con mắt mọi người.
Từ nhiều năm nay, Thiếu Lâm Tự đã trở thành một tập đoàn kinh doanh lớn với 5 công ty con đều mang tên Thiếu Lâm Tự là Công ty quản lý tài sản, Công ty Hoan hỷ địa, Công ty truyền bá văn hóa, Công ty phát triển thực phẩm và Công ty Dược. 5 công ty này được coi là “5 pháp bảo kiếm tiền”.
Ngoài ra, Thiếu Lâm Tự hiện có hơn 40 công ty ở Berlin, London; xây dựng hơn 50 trường học và cơ sở nghiên cứu, truyền bá Thiếu Lâm Kungfu với thu nhập khoảng 10 triệu bảng Anh/năm.
Hiện nay, Thiếu Lâm Tự đã trở thành tập đoàn sản nghiệp kiểu xâu chuỗi bao gồm các lĩnh vực: Từ (hoạt động công ích), Thiền (Tổ đình Thiền tông), Võ (Fungfu, bùa chú), Y (Cục Dược Thiếu Lâm), Nghệ (Thư họa, âm nhạc, điêu khắc), San (In ấn, xuất bản, phát hành).
Chúng đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của Thiếu Lâm Tự.
Hình ảnh nhà sư sử dụng iPad trong một cuộc họp Hội đồng nhân dân năm 2011 được báo chí Trung Quốc đăng tải cũng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Trong một diễn biến khác, ngày 20/8, lần đầu tiên phương trượng Thích Vĩnh Tín công khai lên tiếng về tin đồn bao gái, có con riêng ở Đức và sở hữu tài khoản trị giá 3 tỷ USD.
Vị trụ trì này nói ông chưa phạm sắc giới hay có nhân tình bên ngoài như tin đồn trên, đồng thời cho rằng một số người "cố ý tạo tin đồn ác ý" để hại ông.
Theo Thu Hà (Báo Đất Việt)