Theo bà, trước đây do tin tưởng nên bà giao cho con gái đứng tên căn nhà. Giờ bà không đòi chia nhà mà chỉ xin con gái cho anh nó được ở lại để chăm sóc, an ủi bà trong những ngày cuối đời. Mỗi khi trả lời tòa, bà gọi con gái ở ngôi thứ ba là “cô Trinh”, tên của người con.
Bà kể cách đây gần 20 năm, vợ chồng bà cùng 9 con sống trong căn nhà nhỏ ở Bình Chánh (TP HCM). Nhà đông con nhưng đứa nào cũng chăm chỉ phụ cha mẹ kiếm tiền. Mỗi khi ghe tàu từ miền Tây cập bến, các con bà xúm vô phụ lấy hàng về bán kiếm lời. Tiền dành dụm được bà giao hết cho “cô Trinh” cất giữ. Khi căn nhà cũ bị giải tỏa, số tiền ấy đủ lớn để mua một căn khác ở quận 6 (TP HCM).
Cùng thời điểm trên, con gái lớn của bà ở nước ngoài lâm bệnh nặng. Để thuận tiện, vợ chồng bà cho “cô Trinh” đứng tên căn nhà để ông bà ra nước ngoài chăm sóc con. Khi con gái lớn mất, họ về nước, một thời gian sau chồng bà cũng qua đời. Lần lượt các con bà lập gia đình ra ở riêng, Trinh cũng vậy, còn anh con trưởng không lập gia đình ở cạnh để trông nom bà.
Chủ tọa phân tích phải trái cho người con nghe, rằng đạo làm con đừng để sau này khi mẹ qua đời rồi mới hối hận... Vụ án không có tranh cãi gì về tình tiết pháp lý, vậy mà sau 3 tiếng xét xử, đã hơn 11h, tòa vẫn cố động viên người con: “Tài sản là của chị, nó chỉ khác về thời gian thôi. Đây là mẹ ruột, anh ruột chị, không phải người dưng đâu…”. Nhưng nỗ lực của tòa và nước mắt của bà mẹ già vẫn không lay chuyển được người con.
Giờ nghị án, người con bỏ ra hành lang ngồi một mình. Một lúc sau, chị quay vào nói nhỏ với thư ký tòa điều gì đó. Sau đó, với vẻ mặt hài lòng, chủ tọa thông báo: “Đã có một sự thay đổi, bà Trinh đồng ý cho ông Thành ở lại căn nhà…”. Mái tóc bạc phơ, bà nhìn sang con gái với ánh mắt hài lòng.
Theo Pháp luật TP HCM