Có thể nói, thời gian gần đây liên tục xảy ra những câu chuyện bạo hành trẻ khiến nhiều người đau lòng. Không chỉ bảo mẫu đánh đập, có những hành động tàn nhẫn với trẻ, mà còn có nhiều bậc làm cha làm mẹ nhẫn tâm chút cơn giận lên trẻ chỉ vì trẻ không nghe lời.
Từ các câu chuyện, hình ảnh đau lòng này, nhiều người đặt câu hỏi, có nên dạy con bằng việc "thiết quân luật"? Liệu việc sử dụng phương pháp áp chế "rắn" này có gây những hệ lụy cho con?
Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, chị Đỗ Thị Đường (Hà Nội), bà mẹ của 4 đứa con thẳng thắn chia sẻ: “Nếu bậc phụ huynh nào dạy con bằng phương pháp "thiết quân luật" hoặc thậm chí dùng đòn roi là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Có thể, họ áp dụng câu nói “thương cho roi cho vọt” nhưng cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và tính cách của con bạn để mà áp dụng.
Không phải đứa trẻ nào sử dụng roi vọt, la mắng cũng nên người. Các con của tôi, tôi dùng sự yêu thương để dạy bảo chúng. Dùng chính những hành động, cư xử hàng ngày của bố mẹ để dạy bảo con. Trẻ nhỏ thường thích được bố mẹ nói những lời yêu thương, thường ngục đầu vào ngực bố mẹ nũng nịu thì sao nỡ dùng đòn roi được chứ”.
Cũng theo chị Đường, mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ hình thành một tính cách, nhiều lúc các con chị cũng nghịch ngợm, ương bướng, nhưng nếu dùng đòn roi để bắt con ngồi yên một chỗ thì con chỉ phục tùng trong ấm ức chứ không phải là một sự trưởng thành thực sự.
“Chúng ta nên từ tốn dạy bảo các con, dùng đòn roi là thể hiện sự bất lực, thiếu kiên nhẫn của bố mẹ. Đánh trẻ có thể khiến trẻ vâng lời nhưng nhiều người không biết điều đó có thể tạo ra tâm lý sợ hãi cho trẻ. Khi ấy con bạn sẽ trở nên tự ti, rụt rè. Với những đứa trẻ cá tính thì chúng sẽ càng lì lợm hơn”, chị Đường bày tỏ.
Cùng chia với PV nhưng chị Lê Hồng (Hà Nội) lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược: “Tôi đồng ý với cách dạy con bằng đòn roi nhưng nằm trong khuôn khổ, không quá lạm dụng việc mang roi ra để dọa con.
Tôi có một cái roi (bằng nhựa thôi), khi các con hư, cứng đầu, nói không được là tôi dùng roi, 2 đứa nhà tôi sợ hãi mỗi khi mẹ lôi trong ngăn tủ ra chiếc roi ấy. Sử dụng với chúng một lần, đến lần thứ 2 nhắc đến là chúng sợ xanh mắt, nghe lời mẹ luôn”.
Khi được hỏi đến vấn đề này chị Nguyễn Ngọc Anh (nhà văn NA) cho biết, chị không bao giờ dùng đòn roi để dạy bảo con: “Nhìn thấy người ta đánh con họ mà tôi đã thấy đau lòng huống chi đánh con mình, như vậy xót lắm.
Tôi dùng lời nói, phân tích để con hiểu được những việc đúng sai, như vậy sẽ giúp con vấn đề. Nếu ngay từ đầu trẻ được sống trong một gia đình tràn đầy yêu thương thì chúng sẽ ngang ngược, quậy phá để cần đến đòn roi”.