Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 kết thúc, cũng là lúc điểm số của các học sinh được công bố. Bên cạnh đó, những lùm xùm xoay quanh điểm thi bất thường tại tỉnh Hà Giang mấy ngày gần đây khiến không ít người bày tỏ sự lo lắng, họ đặt ra câu hỏi “điểm số có phải là tất cả?”, “tại sao vì điểm số mà có thể gian lận, đánh tráo?”…
Để có những góc nhìn đa chiều, PV báo Người Đưa Tin cũng đã phỏng vấn nhanh một vài phụ huynh, xem họ có ép con cái học tập chỉ để lấy điểm số?
Chia sẻ với PV, chị Huyền (Hà Nội) là một người mẹ có con đang học lớp 3, khi biết thông tin về sự việc tại Hà Giang, chị rất buồn. Người mẹ này chia sẻ: “Tôi cũng là một cô giáo, con tôi dù còn nhỏ nhưng tôi cũng không quan trọng điểm số của con. Tất nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại của nước ta đều dựa vào điểm số. Tôi cho rằng, điểm số chỉ phản ánh một phần còn tư duy mới là điều quan trọng và tôi khuyến khích con học theo phương pháp tư duy hơn là học thuộc lòng như một con vẹt”.
Tương tự, chị Hoàng Lê Na (Hà Nội) cho biết: “Ngày xưa đi học, tôi cũng thường bị áp lực học phải đứng top đầu của lớp. Khi nào không được nhất hay nhì trong lớp thì thấy buồn vô cùng. Vì thế, hiện nay tôi tuyệt nhiên không đặt áp lực điểm số với con, vì tôi hiểu cảm giác bị áp lực là như thế nào”.
Là một người mẹ của hai cô con gái, nhưng chị Phùng Bích Dần (Yên Bái) cho hay chị cũng không bao giờ gây áp lực cho con chuyện học hành, điểm số: “Bản thân tôi không gây sức ép cho con, tôi thường khuyến khích động viên con học. Mặc dù rất muốn con học giỏi nhưng tùy vào khả năng của các con. Tôi thường nói với con “nếu con không muốn sống trong khổ cực thì cách duy nhất là học tập thật tốt, thật giỏi. Nếu con học không giỏi sẽ phải làm những công việc tay chân nặng nhọc”. Vậy nên, tôi chỉ nhắc nhở con học chứ không bao giờ quát con ngồi vào bàn học, nếu con học chống đối thì tôi cũng không cảm thấy thoải mái”.
Là một thầy giáo, cũng là một người cha, thầy Tôn Sỹ Dũng (Bình Định) bày tỏ sự trăn trở của mình: “Có không ít cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, buộc con phải học càng nhiều càng tốt. Bệnh thành tích trong giáo dục đã lan tỏa vào các gia đình. Ngoài điểm số, cha mẹ còn phải quan tâm những đam mê và sở thích các em như đọc sách, nghe nhạc, bơi lội... Chính áp lực về điểm số gây nên nỗi ám ảnh cho các em. Vì vậy, ngoài việc học, cha mẹ nên dành thời gian vui chơi giải trí cho các con, tránh những áp lực và cần thay đổi cách nghĩ mỗi gia đình về thi cử, học hành của con cái”.