Ẩn họa từ những chiếc camera giấu kín
Vừa đặt chân đến Seoul, cô Laura Bicker liền cùng bạn đạp xe dọc theo bờ sông Hàn.
Khi chuẩn bị bước vào nhà vệ sinh công cộng, cô nghe thấy tiếng bạn mình hét lên: "Nhớ kiểm tra xem có camera không đó".
Laura quay lại và cười, nhưng cô biết bạn mình không hề đùa giỡn.
Một người phụ nữ được gọi là Kim kể với BBC rằng cô từng bị quay lén khi đi ăn tại một nhà hàng. Người đàn ông đặt một chiếc camera nhỏ lên váy cô.
Khi phát hiện ra việc này, Kim đã giằng điện thoại từ tay anh ta rồi nhìn thấy một cảnh quay khác về mình đang nằm ở đó và được những người đàn ông khác bàn tán rôm rả.
"Lần đầu tiên nhìn thấy phòng chat, tôi đã rất sốc, tâm trí của tôi trở nên trống rỗng và tôi bắt đầu khóc", Kim nói.
Cô đã đến đồn cảnh sát nhưng việc trình báo sự cố khiến cô cảm thấy dễ bị tổn thương hơn: "Tôi cứ suy nghĩ, những người khác sẽ nghĩ gì? Liệu nhân viên cảnh sát có nghĩ rằng quần áo của tôi quá lộ liễu? Tôi trông có vẻ rẻ tiền?”.
“Tôi cảm thấy cô đơn trong đồn cảnh sát. Dường như tất cả những người đàn ông đang nhìn tôi như thể tôi là một miếng thịt hoặc một công cụ tình dục. Tôi cảm thấy sợ hãi”, Kim kể.
Cuối cùng, Kim quyết định không nói với ai cả và người đàn ông kia không bị trừng phạt.
Claire Lee, nữ sinh viên 21 tuổi cho biết vào một phòng tắm công cộng là một trải nghiệm đáng sợ đối với cô trong những ngày này. Cô luôn phải nhìn quanh để xem liệu có bất kỳ “lỗ hổng đáng ngờ” nào trên các bức tường không.
"Bạn không bao giờ biết nếu có một ống kính spycam ẩn nấp đâu đó để... quay cảnh mình đi tiểu”. Nữ sinh cho biết có lúc, cô phải nhét giấy vệ sinh vào các lỗ hổng hoặc dùng bút đâm vỡ ống kính bí mật.
Các số liệu thống kê cho thấy kết quả đáng kinh ngạc, với số lượng tội phạm spycam báo cáo với cảnh sát tăng từ khoảng 1.100 vụ trong năm 2010 đến hơn 6.500 vào năm ngoái.
Những người phạm tội bao gồm giáo viên, giáo sư, bác sĩ, mục sư nhà thờ, quan chức chính phủ, nhân viên cảnh sát và thậm chí là một thẩm phán tòa án.
Ở một số trường hợp, chính bạn trai hoặc người thân của nạn nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái.
Mặt trái thời công nghệ
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tự hào về sức mạnh công nghệ của nó, từ internet siêu nhanh đến các điện thoại thông minh tiên tiến.
Nhưng những tiến bộ này cũng phát sinh hệ lụy đáng buồn liên quan những kẻ tọc mạch, nhìn trộm bằng công nghệ cao, với các video được chia sẻ rộng rãi trong các phòng chat internet hoặc được sử dụng làm quảng cáo cho các trang web quảng bá mại dâm.
Mặc dù tất cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh đều phải đảm bảo thiết bị của họ tạo ra tiếng ồn lớn khi chụp ảnh - một động thái được thiết kế để hạn chế quay phim, những đối tượng xấu đã dùng các ứng dụng đặc biệt làm tắt âm thanh hoặc sử dụng thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số ẩn bên trong mắt kính, bật lửa, đồng hồ, chìa khóa xe và thậm chí cả cà-vạt.
Một người đàn ông 43 tuổi đã bị bắt hồi tháng trước vì đã bí mật quay phim những người thuê nhà nghỉ tại Seoul suốt bốn năm bằng cách giả làm khách rồi lắp đặt các ống kính siêu nhỏ bên trong loa TV và các thiết bị khác. Cảnh sát đã phát hiện hơn 20.000 video quay lén tại nhà của ông ta.
Vào tháng Sáu, một người đàn ông 34 tuổi đã bị bắt vì đã bí mật quay phim những người phụ nữ bên trong nhà vệ sinh và bán hàng nghìn video trực tuyến với số tiền mỗi cái lên tới 100.000 won (khoảng 90 đô la Mỹ).
“Cuộc sống của tôi không phải sự khiêu dâm của anh"
Park Mi-hye là trưởng nhóm điều tra tội phạm tình dục đặc biệt của Cảnh sát Seoul. Bà nói với BBC rằng rất khó để theo dõi những người sử dụng máy chủ nước ngoài, đặc biệt là khi việc phát tán những hình ảnh khiêu dâm được xem là hợp pháp và được lưu hành tại những nước này.
"Ngay cả khi chúng tôi đóng trang web, họ có thể điều chỉnh địa chỉ web một chút và mở lại sau đó. Chúng tôi theo dõi từng thay đổi, nhưng chúng liên tục phát triển các phương pháp mới”, bà Park nói.
Cũng theo bà Park, hiện nay hình phạt cho loại tội phạm này vẫn chưa đủ răn đe. Theo đó, kẻ phát tán hình ảnh trái phép sẽ phải lĩnh án một năm tù hoặc phạt 10 triệu won (khoảng 8,900 đô la Mỹ).
"Quan trọng nhất, phải có một sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Để loại trừ tội phạm bất hợp pháp này, mọi người phải nhận thức được ảnh hưởng đến các nạn nhân”.
Thực tế có những cuộc biểu tình lớn, với sự tham gia của hàng chục nghìn người đã diễn ra tại Seoul để phản đối nạn quay lén.
Những người phụ nữ giơ cao khẩu hiệu "cuộc sống của tôi không phải sự khiêu dâm của anh” và kêu gọi trừng phạt khắc nghiệt hơn cho những kẻ quay phim, phân phối và xem những hình ảnh đó; đồng thời thúc giục các quy định khó khăn hơn để hạn chế việc bán thiết bị spycam công nghệ cao.
Tuy nhiên thêm một dấu hiệu đáng buồn ở “cuộc chiến” này, nhiều người tham gia cuộc biểu tình gần nhất đã che kín khuôn mặt của họ và từ chối chụp ảnh do lo lắng về an toàn cá nhân, vì một số người tham gia trước đó đã trở thành mục tiêu của nạn bắt nạt trực tuyến, theo tờ Daily Mail.
Ngân Hà (Theo BBC, Daily Mail)