Phút sinh tử của người chết đi sống lại sau 9 tiếng

Phút sinh tử của người chết đi sống lại sau 9 tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Sau lần cải tử hoàn sinh, bà Trần Thị Sương trở thành người đặc biệt giữa cuộc sống đời thường của người dân ấp Trường Lưu.

"Chết rất khó khăn..."

Bà Trần Thị Sương năm nay đã bước qua tuổi 89, là vợ liệt sĩ và bản thân cũng tham gia cách mạng, từng vào Nam ra Bắc trong những ngày toàn dân cầm súng đánh giặc cứu nước. Bà Sương từng bị địch bắt, tra khảo, hành hạ dã man khi còn hoạt động tại Rạch Giá, Kiên Giang. Nhưng cuối cùng chúng thả bà ra vì sau những trận tra khảo tàn bạo mà không thể khai thác bất cứ điều gì.

Ngày giải phóng, bà trở về đời thường một mình côi cút nuôi con. Với sức lao động không mệt mỏi, cùng chút ít gia sản sẵn có và khoản tiền trợ cấp của nhà nước, bà luôn mong có cuộc sống dung dị, bình yên. Nhưng vết thương từ những ngày trong nhà ngục của địch vẫn để lại di chứng, hành hạ thân xác bà. "Sau này tôi hay đau ốm luôn, đặc biệt là cảm sốt. Lắm khi ngất xỉu giữa đồng.

Mỗi lần như vậy, các cháu trong nhà phải xông rượu mới đỡ", bà kể. Và trong một trận ốm như vậy bà đã "được" trải qua một cảm giác kỳ lạ và hiếm người có: Chết đi sống lại sau 9 tiếng đồng hồ.

Pháp luật - Phút sinh tử của người chết đi sống lại sau 9 tiếng

Căn nhà nhỏ - tài sản còn lại sau quá trình làm từ thiện của bà Sương.

Nói về cái ngày khủng khiếp mà sau này bà cho là sự thay đổi hạnh phúc, bà Sương cho biết: "Chuyện cũng xảy ra rất lâu rồi, khi đó chồng tôi còn sống, nhưng đến nay tôi vẫn không thể quên được những giây phút nằm giữa lằn ranh sự sống và cái chết ấy. Tôi vật vã mãi mới trút hơi thở cuối cùng...".

Theo lời kể của bà, hôm đó, như mọi ngày, từ đồng về, bà thấy rất mệt mỏi. Bà vào phòng nghỉ ngơi và cảm giác khó ở gia tăng gấp bội. Bà như mụ đi, đầu óc quay cuồng. Bà cố gọi người nhà nhưng không một ai hay biết, ngay cả người chồng nằm cạnh bên vẫn không hay biết những điều bất thường đang đè nặng lên cơ thể mềm oặt của vợ. Đến giờ cơm, người nhà vào gọi bà ra ăn tối mới phát hiện bà đã bất tỉnh.

Gọi mãi, lay mãi không thấy bà trả lời, mọi người xúm vào tìm rượu xông người cho bà như từng làm trước đó nhưng vô ích. "Lúc đó, tôi vẫn còn tỉnh táo, vẫn nghe và biết những gì diễn ra xung quanh. Tôi vẫn biết người nhà xông rượu cho tôi, nắn tay chân cho tôi nhưng tôi không nói được. Rồi đầu óc tôi mụ mị dần đi. Tôi cảm giác như máu trong người chảy chậm lại, rất khó khăn để thở. Khi đó tôi nghĩ những giây phút cuối cùng của mình đã đến nên cố gắng đón chờ nó. Nhưng tình trạng này kéo dài làm tôi rất khó chịu và thực sự muốn cái chết đến thật nhanh để cho mình đỡ khổ. Vật vã mãi như vậy được hơn 30 phút, tôi tắt thở", bà kể lại.

Sau mọi nỗ lực mà vẫn không thấy bà hồi tỉnh, mọi người đưa tay lên mũi và thấy bà đã không còn thở nữa. Để chắc chắn hơn những người thân ghé tai lên ngực bà để kiểm tra. Khi không hề nghe nhịp tim và không thấy hơi thở nữa mọi người mới thôi các biện pháp cấp cứu và thông báo với mọi người bà đã mất. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, con cháu trong nhà, người dân trong ấp kéo đến để chuẩn bị làm lễ tang cho bà.

Sống lại và trở thành “con người mới”

Nói về sự kỳ lạ trong cái chết của mẹ nuôi, chị Trần Thị Đối, con gái của bà Sương kể: "Thông thường mọi người sau khi chết, thi thể sẽ lạnh đi, sắc thái của khuôn mặt, da dẻ cũng nhợt nhạt nhưng đối với bà lại trái ngược hoàn toàn. Trông da dẻ của bà hệt như một người đang ngủ. Đặc biệt, thể xác bà không hề lạnh đi và khô cứng mà vẫn mềm và ấm như người sống. Tuy nhiên vì không hề còn thấy nhịp tim và hơi thở nữa nên nhiều người cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là do người nhà xông rượu cho bà nhiều quá nên thi thể không cứng lại. Ai cũng biết chắc rằng bà đã ra đi".

Pháp luật - Phút sinh tử của người chết đi sống lại sau 9 tiếng (Hình 2).

Bà Sương đang kể lại giây phút tử sinh.

Sáng sớm hôm sau, khoảng 9 tiếng đồng hồ kể từ thời điểm mọi người cho rằng bà Sương đã chết, gia đình bắt đầu thực hiện lễ nhập quan cho người đã khuất. Mọi thủ tục đã hoàn tất, mọi người chuẩn bị nhập quan thì bất ngờ phát hiện những biểu hiện bất thường trên thi thể bà Sương. Bỗng nhiên, môi bà hồng trở lại, con ngươi hình như di chuyển dưới 2 mí mắt. Một số người bạo gan đưa tay lên mũi thì cảm nhận được hơi ấm nhè nhẹ, đều đều thở ra.

"Cuối cùng, bà từ từ ngồi dậy, như người vừa thức giấc", chị Lê Thị Tâm, một người con nuôi thân thiết với cụ Sương nhớ lại. Nhớ lại phút giây trở về từ cõi chết bà Sương kể: "Lúc tôi ngồi dậy mọi người xúm lại ôm tôi khóc ròng vui sướng. Chả ai sợ tôi cả mà chỉ ngạc nhiên nhìn tôi thôi".

Sau lần cải tử hoàn sinh trên, bà Sương như biến thành một con người khác, sống một cuộc sống khác. Thay đổi thói quen ăn uống là một trong những cái mới của bà. "Tự nhiên, tôi sợ thịt, cá. Tôi không ăn được mặn nữa và ăn chay trường từ đó đến giờ", bà cho biết. Cũng từ đây, những sự kiện lạ lùng trong cuộc sống liên tiếp tìm đến với bà. Cụ thể như lời bà khẳng định, trước đây trí nhớ bà không tốt nhưng sau ngày khủng khiếp trên bà nhớ nhanh và lâu hơn cả thời trẻ. Một trong những minh chứng đầy thuyết phục: Bà đã tự ghi chép lại những sự kiện cải tử hoàn sinh hy hữu của mình cung cấp cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hơn thế, bà Sương cũng mạnh lời khẳng định việc sau lần chết hụt, một số căn bệnh tự nhiên biến mất một cách kỳ diệu. "Trước đây, tôi bị viêm phế quản nặng, luôn khó thở nhưng sau ngày ấy, tôi không thuốc thang mà thấy nhẹ dần rồi khỏi hẳn như các cháu thấy bây giờ. Cái bệnh viêm gai cột sống cũng vậy. Xưa đi lại khó khăn lắm, không ngồi lâu được. Vậy mà giờ tôi có thể ngồi tiếp chuyện với bạn bè đến thăm hàng ngày mà vẫn không mỏi. Mà tôi cũng đã 90 tuổi rồi chú ạ", bà cười xòa cho biết.

Trở lại "dương thế", sau những đổi thay về sức khỏe một cách kỳ diệu, quan điểm sống của bà Sương cũng theo đó đổi thay. Được biết, sau ngày ấy, bà sống theo triết lý của người có đạo, tự cởi bỏ mọi gánh nặng, âu lo, hành thiện giúp người. Bà bán ruộng vườn để có tiền giúp người nghèo khắp hang cùng ngõ hẻm.

Chị Tâm, một trong 3 người con nuôi của bà cho biết: "Sau khi sống lại, bà nguyện một đời hướng đạo. Bà trút bỏ mọi sân si, hỉ nộ để hành thiện. Tính đến nay, má Ba đã giúp hơn ngàn gia đình khó khăn trong tỉnh rồi. Quan trọng hơn, những việc thiện của bà có sự ảnh hưởng mạnh đến dân chúng trong vùng. Theo gương bà, nhiều chị em như chúng tôi không quản xa cách về địa lý, tuổi tác xúm lại lập hội đi làm từ thiện khắp mọi nơi".

Hi hữu nhất trong những trường hợp hi hữu?

Được biết, quá trình cải tử hoàn sinh và như biến thành một người khác của bà Trần Thị Sương một thời từng là chủ đề nóng cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Cũng theo bà Sương, nhiều nhà khoa học đã từng tìm đến nghiên cứu và cho rằng bà chưa chết hẳn mà mới chỉ chết lâm sàng. Chết lâm sàng là tim ngừng đập, phổi ngừng thở, huyết áp không đo được nhưng não vẫn còn hoạt động. Chỉ khi bị ngừng cung cấp o xy từ 5 - 8 phút, lúc đó não bộ chết thì khi đó mới xác định một con người chết thật. Vì vậy, có không ít trường hợp quan sát bên ngoài thì như đã chết nhưng thực ra bên trong tim vẫn còn đập nhưng với tần suất cực thấp - có khi chỉ 7 hoặc 10 nhịp/phút thay vì 60 hoặc 80 nhịp/phút như bình thường, và phổi vẫn còn chức năng hô hấp - dĩ nhiên là cũng với tần suất cực thấp. Cũng có một số trường hợp sau khi bị chết lâm sàng, nhờ có một tác động nào đó đã "sống lại". Tuy nhiên, trường hợp của bà Sương, từ khi rơi vào trạng thái chết lâm sàng đến... 9 tiếng đồng hồ là một trường hợp thực sự hi hữu.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.