Hai trong số những người đẹp một thời đã khắc…tâm sự thật về lý do vì sao họ gắn bó với ông hoàng đẹp trai nhưng quá đỗi đa tình này.
Vua Bảo Đại và bà Mộng Điệp trong một chuyến đi săn
Ông hoàng đào hoa
Bảo Đại có tất cả 8 bà vợ cùng vô số nhân tình. Trong 8 vợ đó, theo một hãng thông tấn nước ngoài bình chọn, thì 5 bà đẹp nhất là Nam Phương, Mộng Điệp, Hoàng Tiểu Lan, Lê Phi Ánh và Monique Baudot. Mỗi bà là một "núi tâm sự cay đắng" với ông vua ăn chơi. Trong đó có hai bà đã có "phút nói thật" là say mê vua chỉ vì…khả năng phòng the.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Bảo Đại được mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ. Lần đầu ông gặp Mộng Điệp, cô vũ nữ xinh đẹp Hà Nội gốc Bắc Ninh ở sân tenis, và họ đã phải lòng nhau. Cố vấn Vĩnh Thụy thương yêu bà, xem bà như thứ phi phương Bắc. Bà Mộng Điệp đến sống với ông tại nhà số 51 Trần Hưng Đạo.
Năm 1948, khi cựu hoàng trở lại cộng tác với Pháp, làm Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia, bà Mộng Điệp được đón lên Đà Lạt. Bảo Đại mua của ông Basier ngôi biệt thự ở đường Graffeuille tặng bà (nay là nhà số 14 Hùng Vương). Năm 1950, người Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, cựu hoàng lập Hoàng triều cương thổ, một thể chế hành chính đặc biệt riêng cho vùng đất này. Bà được ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ. Đến năm 1953 chiến tranh ác liệt, Mộng Điệp được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số vật báu của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương, sau đó bà ở lại luôn bên Pháp.
Mộng Điệp có với cựu hoàng một hoàng nữ Phương Thảo và hai hoàng nam là Bảo Hoàng và Bảo Sơn. Bà sống tự lập, không nhờ vả Chính phủ Pháp. Làm dâu hoàng tộc Nguyễn khi đã suy tàn, bà trước sau vẫn giữ cung cách của một bà phi chân chính. Mãi cho đến 87 tuổi, vẫn chung thủy với dòng họ Nguyễn Phước và cựu hoàng Bảo Đại, mặc dù ông rất ham chơi, bỏ bà đi theo cô đầm Monique Baudot cho đến ngày từ biệt cõi đời 1997. Bà tự hào có hoàng nam Bảo Sơn- tốt nghiệp các trường mũi nhọn kỹ thuật của Pháp.
Năm 1987, Bảo Sơn lái máy bay đi tắm biển, bị sóng đánh va vào bờ đá chết. Bà Mộng Điệp đau khổ đến tột cùng. Hơn 10 năm bà ẩn mình trong một căn hộ ở 24 Bd Rueilly quận 12, Paris. Cuối năm 1996, bà cùng hoàng nữ Phương Thảo về thăm Huế, dự định tặng toàn bộ tài liệu liên quan đến nhà Nguyễn và cựu hoàng cho một bảo tàng nào đó ở quê hương.
Trong chuyến về nước này, bà Mộng Điệp có phút nói thật ẩn chứa một bí mật "động trời", đó là theo sách biên khảo của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, thì Bảo Đại không phải là con của vua Khải Định, ông vua bất lực, và bà Từ Dũ đã lén quan hệ với ông Hường Đ. Một tay cự phách về chuyện phòng the, nên Bảo Đại cũng giống nòi tình của cha đẻ(?).
Sau khi trở lại Pháp, bà Mộng Điệp bị ngã, gây chấn thương ở cổ. Khi bà vào bệnh viện giải phẫu thì phát hiện bệnh tim nên không qua khỏi ca phẫu thuật. Bà qua đời lúc 12h ngày chủ nhật 26/6/2011 tại bệnh viện Saint Antoine. Bà đã được an táng ngày 1/7/2011 tại nghĩa trang Thiais ở Paris - nơi có mộ phần của hai người con trai.
Mối tình của"ông vua lưu vong"với cô hầu phòng
Sau khi bị Ngô Đình Diệm phế truất và bị chà đạp danh dự, Bảo Đại bàng hoàng rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên và bắt đầu sống trong nỗi trầm uất. Sau thời gian chữa bệnh, cựu hoàng sống với gia đình như một người khách không mời. Vợ con đều muốn xa lánh ông. Cuối cùng một người bạn đã đi thuê cho ông một căn hộ trong cao ốc 29 Fresnel, quận 16 - Paris.
Cô hầu phòng Monique Baudot
Cuộc sống của cựu hoàng Bảo Đại sau khi "ra ở riêng" cũng khó khăn, bị bệnh nằm một mình không một người mua giúp bánh mì ăn sáng. Giữa lúc ấy, cô Monique Baudot sinh năm 1946 xuất hiện. Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn tin khác nhau. Báo chí Pháp viết cô từng làm tùy viên báo chí trong một tòa đại sứ. Các chính khách từng làm việc với cựu hoàng và sau năm 1975 có nhiều dịp gặp ông, như tướng Trần Văn Đôn, thì bảo Monique chỉ là một cô bồi phòng. Chính nhờ làm bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel nên cô mới biết được có một ''ông vua lưu vong'' bệnh tật không người chăm sóc, cô đến giúp đỡ và trở thành người thân cận nhất của cựu hoàng suốt mấy thập niên cuối đời.
Từ khi hai người ăn ở với nhau (bắt đầu từ những năm 1970), cuộc sống vật chất của cựu hoàng và Monique rất khó khăn. Monique chạy xin cho cựu hoàng được hưởng trợ cấp cho người già, mỗi tháng lãnh khoảng trên dưới 7.000 frs. Sau này ông J. Chirac lên làm thị trưởng Paris, tăng phụ cấp cho cựu hoàng lên 12.000frs nhưng vẫn không giải quyết hết khó khăn.
Tuy sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn nhưng cựu hoàng không hề than vãn. Hằng ngày bà Monique ôm quần áo bẩn đi giặt ở các máy giặt công cộng. Buổi sáng, cựu hoàng ăn "pain sec" (bánh mì không). Có lần Monique hỏi cựu hoàng có cảm tưởng như thế nào về cuộc sống khó khăn của mình, ông bảo: "Tôi đã thoái vị từ lâu, về làm dân Việt Nam. Trong khi đa số dân Việt Nam còn thiếu thốn, thì công dân Vĩnh Thụy làm sao có cuộc sống khá hơn!''.
Bà Monique Baudot tìm mọi cách để có thu nhập thêm. Bà đòi tiền những người muốn đến gặp và phỏng vấn cựu hoàng. Bà mời tướng Fond viết giúp hồi ký Con rồng An Nam cho cựu hoàng và bán cho Nhà xuất bản Plon. Để có đủ tư cách pháp lý "chiếm độc quyền" Bảo Đại, nhiều lần Monique yêu cầu cựu hoàng làm giấy kết hôn với bà. Nhưng chuyện ấy không thực hiện được ngay vì bà Từ Cung - thân mẫu của Bảo Đại - đang còn sống ở Huế không đồng ý.
Năm 1975, bà Từ Cung mất, không còn trở ngại nào nữa, Bảo Đại đưa Monique Baudot ra Tòa Đốc lý quận 16, Paris đăng ký kết hôn. Vừa kết hôn xong thì ông bà lên máy bay đi Mỹ theo lời mời và sắp xếp của một nhóm Nguyễn Phước tộc ở Hoa Kỳ. Sáng 23/1/1982, cựu hoàng Bảo Đại được mời đến dự lễ khai mạc hội chợ tại Westminster, được bà thị trưởng mặc áo dài Việt Nam đón tiếp hết sức thân mật. Tại đây, có người Việt tặng quà cho Bảo Đại mà "quên" không để ý đến Monique Baudot, theo sau. Vừa ra khỏi cửa hàng, người ta nghe Monique Baudot nói với Bảo Đại: "Dân Việt của ông không ra gì'' - ý là chê người không ga-lăng với phụ nữ. Những người trong ban tổ chức đón tiếp cựu hoàng nghe thế không ai hiểu vì sao lại có sự thể như thế!!
Tiếp đến, khi cựu hoàng dự một buổi tiệc do ông bà Robert Kane khoản đãi tại nhà riêng ở Tiburon vùng San Francisco. Trong số thực khách có cả ông bà Brochand, Tổng Lãnh sự Pháp và một số người Mỹ biết nói tiếng Pháp. Bà Kane chủ tọa một bàn tiếp Bảo Đại và một số thực khách, bàn thứ hai do ông Kane chủ tọa tiếp Monique và một số thực khách khác. Không ngờ, khi mới ngồi vào bàn, Monique tỏ ra bực bội, vặn vẹo hỏi mọi người tại sao không sắp xếp cho bà ngồi gần Bảo Đại. ''Dù sao tôi cũng là vợ của ông Bảo Đại kia mà!'', bà nói. Một người có trách nhiệm đưa cựu hoàng đi thăm viếng các nơi trả lời: ''Đây là cái phòng tiệc chứ không phải phòng ngủ. Chủ nhà người ta sắp xếp như vậy là phải".
Monique tức giận, bất ngờ nắm cái chéo khăn trải bàn ăn kéo một cái xoạt, thức ăn dọn trên bàn ngả nghiêng, đổ tung tóe ra bàn. Cả phòng tiệc vô cùng ngạc nhiên. Riêng cựu hoàng thì ngồi thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra. Nhà tổ chức phải đứng ra nhận lỗi và buổi tiệc mất vui…
Hôm sau, ban tổ chức đón tiếp chất vấn Bảo Đại: "Hôm qua bà Monique nói bà ấy là vợ của Ngài. Vậy có đúng không?". Cựu hoàng thản nhiên đáp: "Đúng. Trước khi qua Mỹ một ngày, bà ấy và tôi đã có giấy kết hôn!". "Vậy, tại sao Ngài không nói cho chúng tôi biết trước để chúng tôi sắp đặt nghi lễ, nếu bà ấy là vợ Ngài thì chúng tôi đã sắp đặt đúng phép sẽ không xảy ra những chuyện vừa qua". Cựu hoàng Bảo Đại trả lời tỉnh bơ: "Phần nghi lễ, tùy theo trường hợp, lúc là thơ ký, lúc là vợ".
Phút nói thật Những năm cuối đời, hoàng phi Mộng Điệp có nguyện vọng về sống ở quê nhà. Thời gian về thăm quê nhà, trước khi qua Pháp, bà sống ở thành phố biển Nha Trang. Tình cờ gặp một nhà báo trên bờ biển, qua trao đổi, bà đột nhiên có một phút nói thật: "Tôi say mê theo Ngài, không phải vì chiếc ngai vàng, mà vì cái giường ngủ". |
Thiên Lý