Loại pin dùng trên các thiết bị đeo hay dụng cụ y tế cấy ghép lên cơ thể cần đáp ứng các yêu cầu quan trọng về khả năng uốn cong hoặc chịu xoắn, và lý tưởng nhất là chúng không chứa các hóa chất độc hại. Hiện nay, công nghệ chế tạo pin vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu này. Vấn đề là bên trong viên pin cần có môi trường điện ly, hóa chất này lại cần có vật liệu bao bọc để chúng không bị rò rỉ tiếp xúc với da người, cấu trúc này thường khiến viên pin trở nên cồng kềnh và cứng nhắc.
Một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát triển thành công loại pin mới khắc phục được nhược điểm này. Thay vì sử dụng dung dịch điện ly có tính ăn mòn, độc hại, họ đã sử dụng hóa chất Natri Sulphat, nước muối và một dạng dung dịch dùng để nuôi cấy tế bào. Mặc dù trong thiết kế, các chất này không rò rỉ ra khỏi pin, nhưng nếu có, chúng cũng sẽ không gây nhiễm độc như các hóa chất truyền thống. Như vậy, các biện pháp ngăn ngừa sự rò rỉ được đơn giản hóa, các vật liệu bao bọc tăng cường trở nên không cần thiết, cấu trúc mới giúp viên pin dễ dàng chịu uốn hoặc xoắn một cách linh hoạt.
Các chuyên gia đã tạo ra hai phiên bản mẫu, đó là một viên pin có dạng hình đai và viên kia hình ống. Cả hai đều hoạt động tốt và hiệu suất của phiên bản hình đai đã không thay đổi khi bị uốn cong 100 lần ở các góc độ khác nhau.
Loại pin mới này có thể hoạt động dựa trên các dung dịch gốc muối hữu cơ (như mồ hôi, nước mắt...) có nghĩa là trong tương lai chúng có thể vận hành nhờ chất điện giải có sẵn trong cơ thể người. Loại pin này đang được nghiên cứu để hoàn thiện, thúc đẩy sự phát triển của các thiết bị đeo và dụng cụ y tế cấy ghép.
Theo NNVN