Nga đã công bố các thước phim về “Ngư lôi ngày tận thế” mới - một tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế để kích hoạt sóng thần phóng xạ tấn công các mục tiêu ven biển.
Trong thông điệp liên bang 2019, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra những lời đe dọa công khai đối với bất kỳ quốc gia nào đang tìm cách đối trọng với kho vũ khí hạt nhân công nghệ cao đang phát triển của Nga.
Và ông đã tiết lộ một trong những cách mà nước Nga hy vọng sẽ vượt qua số lượng ngày càng tăng của các cơ sở phòng thủ tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu và Mỹ.
Theo News.com.au, ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân “Poseidon” được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới. Vũ khí này có thể di chuyển lặng lẽ và nhanh chóng, băng qua các đại dương trên thế giới, với khoảng cách xuyên lục địa. Khi ở gần một mục tiêu quan trọng, đầu đạn hạt nhân sẽ phát nổ. Sóng xung kích và nước bốc hơi sẽ tạo nên một cơn sóng thần không thể ngăn chặn.
“Đặc điểm độc đáo của hệ thống Poseidon sẽ giúp hải quân chiến đấu thành công với các hàng không mẫu hạm và tấn công các đối thủ tiềm tàng trong bất kỳ đấu trường trên đại dương nào và phá hủy các cơ sở hạ tầng trên bờ”, Đô đốc Igor Katasonov nói với truyền thông Nga.
“Ngư lôi ngày tận thế”
Tổng thống Putin đã tiết lộ đoạn phim đầu tiên về vũ khí có độ rộng 2m, dài 20m, còn được gọi là “Kanyon”, trong thông điệp liên bang hôm 20/2. Vũ khí này lớn hơn 30 lần so với một ngư lôi thông thường.
Về cơ bản, Poseidon là một tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân đã được thử nghiệm cùng với một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân khác là Buresvestnik (Petrel). Với khả năng của mình, Poseidon được cho là có thể tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách bay trước với khoảng cách lớn trước khi thực hiện cuộc tấn công bất ngờ.
Nhưng tiết lộ quan trọng của Tổng thống Putin là cái nhìn thực tế đầu tiên về ngư lôi Poseidon.
Đoạn phim cho thấy ngư lôi có hình trụ dài trong bể thử nghiệm thủy động lực học, nơi có thể đánh giá điều khiển bề mặt và thiết bị nổi của vũ khí. Poseidon cũng cho thấy đang trải qua những sửa đổi trong phòng thí nghiệm.
Theo dịch vụ tin tức Sputnik, Chuẩn đô đốc Nga Vsevolod Khmyrov cho biết các cuộc thử nghiệm thời gian qua với vũ khí bí mật này đã thành công.
Trong bài phát biểu của mình Tổng thống Putin tiết lộ, Poseidon có thể hoạt động trong vòng vài tháng tới. Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế đặc biệt có tên Khabarovsk sắp hoàn thành tại Nhà máy đóng tàu Sevmash, và dự kiến sẽ được hạ thủy trước tháng 6.
“Hai tàu ngầm mang theo Poseidon dự kiến sẽ đi vào hoạt động với Hạm đội phương Bắc và hai chiếc còn lại sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương. Mỗi chiếc tàu ngầm sẽ mang theo tối đa 8 ngư lôi và do đó, tổng số lượng Poseidon đang làm nhiệm vụ chiến đấu có thể lên tới 32 phương tiện”, hãng truyền thông nhà nước Tass đưa tin vào tháng trước .
Các tàu ngầm lớp Oscar hiện tại cũng có thể được sửa đổi để mang hệ thống vũ khí mới, Tass nhấn mạnh.
Vai trò của Poseidon
Tuy nhiên, vẫn còn những mối nghi ngờ tồn tại về hiệu quả của vũ khí vượt trội đến từ Nga.
Hãng thông tấn Tass năm ngoái cho biết, Poseidon sẽ mang theo đầu đạn có kích thước khoảng 2 megaton. Nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng điều đó là không đủ để tạo ra một cơn sóng thần gây thiệt hại.
Điều này cũng mâu thuẫn với các báo cáo đầu năm 2015 của Chính phủ Nga về sự phát triển của vũ khí, khi tuyên bố nó có thể mang đầu đạn 100 megaton, mặc dù Poseidon được cho là không đủ lớn để mang đầu đạn như vậy.
Thậm chí, kể cả có tạo ra sóng thần, sự đe dọa của ngư lôi cũng không thể khủng khiếp như tuyên bố.
Theo trang Popular Mechanics, các nghiên cứu của Mỹ về vũ khí nguyên tử phát nổ dưới biển cho thấy chúng không có khả năng trong việc tạo ra sóng lớn.
“Hầu hết năng lượng sóng bị tiêu tan do đập vào thềm lục địa trước khi tiến được vào bờ”, báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ nhận định.
Và sau đó là vấn đề tốc độ. Tuyên bố từ Điện Kremlin cho biết Poseidon có thể di chuyển dưới nước với tốc độ lên tới 200km/h. Điều này đến từ một công nghệ gọi là “supercavitation”, trong đó ngư lôi sử dụng một động cơ phản lực tạo bong bóng bao quanh, nhằm giảm ma sát từ nước.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố này vẫn rất khó xảy ra, dựa trên những gì chúng ta đã thấy về Poseidon. Hình dạng vũ khí, kích thước của vây điều khiển và hệ thống truyền động cho thấy nó sẽ không hoạt động trong bong bóng bao quanh như nguyên lý ở trên.
Ngoài ra, sự ồn ào của Poseidon cũng làm cho nó dễ dàng phát hiện, bị nhắm mục tiêu và phá hủy. Chính vì những khiếm khuyết này mà có ý kiến cho rằng Poseidon chỉ là vũ khí giả.
Liệu chương trình Poseidon có phải là giả mạo không, hay đoạn phim chỉ đơn giản là muốn tạo sự chú ý?
Nói với Popular Mechanicalics, nhà phân tích hệ thống vũ khí tàu ngầm H.I. Sutton tin rằng, các yếu tố trong dự án quá đắt và qúa dài hạn để có thể bị coi là giả mạo. Đặc biệt trong đó có tàu ngầm Sarov được chế tạo để thử vũ khí. Nó không thể được giải thích bởi bất kỳ dự án hoặc mục đích hợp lý nào khác của Nga.
Tuy nhiên, có những quan điểm cho rằng, vũ khí của Nga có nét gì đó tương tự như dự án của Mỹ.
Thiết bị Mỹ
Dù bản chất thực sự của Poseidon là gì, Mỹ cũng vừa trao hợp đồng cho Boeing để chế tạo bốn tàu ngầm robot khổng lồ mới.
Được đặt tên là Orca, phương tiện dưới biển không người lái cực lớn này dựa trên thiết bị không người lái chìm Echo Voyager của Boeing. Tuy nhiên, Orca dự định sẽ rình mò các đại dương trên thế giới dưới sự kiểm soát của trí tuệ nhân tạo (AI).
Hải quân Mỹ cho biết họ muốn sử dụng thiết bị tối tân này để xác định vị trí các mỏ ẩn giấu trên biển, theo dõi tàu ngầm và tàu mặt nước, tham gia giám sát điện tử - và thực hiện các nhiệm vụ tấn công.
Nó dường như nhỏ hơn Poseidon của Nga. Boeing cho biết nó sẽ dài khoảng 15,5m và rộng 2,5m, nặng tới 50 tấn. Nó được cho là có một hệ thống động cơ diesel-điện.
Orca được cấu hình cho các nhiệm vụ đa dạng theo nhu cầu - bao gồm trinh sát, ngư lôi, mìn và tên lửa dẫn đường.