Sân bóng cũ kỹ, khai mù và đông đặc hoogligan
Một đêm giá buốt đầu năm 1993, Arsenal tiếp đón Leeds United trên sân nhà Highbury. Sân bóng này mang đầy đủ nét đặc trưng của các sân bóng tại Anh giai đoạn cuối thập niên 1980, đầu 1990. Đó là sân bóng nhỏ, sức chứa ước chừng 3 vạn rưỡi, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và nằm xen lẫn trong khu dân cư hình thành từ sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ tại xứ sở sương mù.
Highbury từ rất lâu không được tu sửa. Đối với các ông chủ CLB, việc đầu tư vào đội bóng không phải để kiếm lời. Đến cuối thập niên 1970 mới xuất hiện những bảng quảng cáo bên đường biên. Ngay cả như vậy thì nguồn thu vào thời điểm đó chỉ đủ trang trải chi phí trồng cỏ cho mặt sân. Bởi vậy, các ông chủ chi tiền như một cách làm "từ thiện" để bảo tồn văn hóa địa phương và phần nào đánh bóng tên tuổi.
Thế nên, Highbury trông thật cũ kỹ, ọp ẹp, mái che dột nát, hàng rào hoen gỉ, và cả sân bốc lên mùi khai khủng khiếp vì tình trạng nhà vệ sinh quá tải, bẩn tưởi, trong khi đám hooligan thì chẳng sá màng gì chuyện giữ vệ sinh chung. Chúng vào sân để cổ vũ thì ít mà sinh sự và chửi bới thì nhiều. Chỉ với 5 bảng, chúng đã có một chỗ ở khán đài đứng Clock End xập xệ.
Trên sân bóng, đúng hơn là cánh đồng lầy lội, Arsenal lẫn Leeds chơi thứ bóng đá “chạy và sút” cổ lỗ và hoang dại. Gordon Strachan rực sáng mang về chiến thắng cho đội khách. “Bọn chúng cho hắn ta ăn cái gì mà đá hay thế”, một tay CĐV nói. “Nào, xử lý hắn đi chứ. Chúng mày thuộc Hội Tri ân Strachan đầy à???”.
Đối nghịch với sự bùng nổ của Strachan là màn trình diễn tệ hại của David Hillier, hậu vệ bên phía Arsenal. Lẽ dĩ nhiên, anh chàng xấu số này trở thành tâm điểm rủa xả của đám hooligan hung hãn và lắm mồm. “Tiễn hắn ra ngoài đi anh Tài ơi”, một gã hét lên. Gã khác độc địa hơn: “Cấm hắn thi đấu suốt đời luôn đi”. Và một gã bồi thêm: “Hoặc lâu hơn nữa”.
Sân bóng cũ kỹ, khai mù và đông đặc hoogligan hung tợn, bóng đá Anh những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, từ mùa giải 1992/93, đã diễn ra còn thua kém cả V-League như vậy…
Sự ra đời ly khai của Premier League
Nửa sau thập niên 1980 là quãng thời gian kinh hoàng đối với bóng đá Anh, cả bên trong lẫn ngoài sân cỏ. Bên cạnh những thất bại liên sự trả giá cho việc thiếu đầu tư vào hạ tầng và nạn bạo lực sân cỏ. Ngày 11/5/1985, ai đó vứt đót thuốc lá vào đống rác chất ngay dưới khán đài của sân bóng cũ kỹ Valley Parade của CLB Bradford. Đốm lửa của mẩu thuốc bén vào đống rác bùng lên thành hỏa hoạn, 56 CĐV thiệt mạng vì cả sân không có nổi cái bình cứu hỏa.
Đến cuối tháng, 39 khán giả xấu số, đa phần là người Italia, bị đè chết trong thảm họa Heysel nổi tiếng. Nguyên do là đám hooligan hung hãn của Liverpool đuổi đánh người hâm mộ Juventus trong trận chung kết cúp C1. Ngoài ra còn có 600 người khác bị thương. Vì vụ việc này, các đội bóng Anh bị cấm tham dự cúp châu Âu trong 5 năm, riêng The Kop lẫy lừng là 6 năm.
4 năm sau, một thảm họa khác xảy đến ở Hillsborough. Vì công tác tổ chức kém cỏi, hàng vạn CĐV chen lấn vào sân Hillsborough để theo dõi trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest, hậu quả là một góc khán đài đổ sụp, 97 người chết, 766 người bị thương.
Vì những biến cố như vậy, bóng đá từ chỗ là niềm đam mê và tự hào lại trở thành môn thể thao man rợ như thể sót lại từ thời trung cổ trong mắt người Anh. Tờ The Sun khi ấy miêu tả bóng đá như "một trò tiêu khiển hạ đẳng dành cho những kẻ hèn kém và diễn ra trên những sân vận động chẳng khác gì ổ chuột". Không chỉ vậy, thống kê chỉ ra, lượng CĐV đến sân đạt mức thấp kỷ lục kể từ thập niên… 1920.
Trước tình cảnh ấy, tháng 10/1990, ông Gred Dyke, Giám đốc đài ITV Sport, kênh truyền hình phát sóng các trận đấu trong khuôn khổ giải VĐQG Anh, đã tổ chức bữa ăn tối giữa các đội bóng lớn tự xưng là Big Five của xứ sương mù, bao gồm Manchester United, Liverpool, Everton, Arsenal và Tottenham. Họ muốn tách khỏi hệ thống Football League gồm 92 CLB để thành lập giải đấu riêng, và tham vọng thu về số tiền tương xứng với giá trị thực.
Đó là một siêu giải đấu ly khai, luôn bị thế lực và tư duy cũ đe dọa, nhưng thực ra không ai đủ khaer năng ngăn chặn. Ý tưởng này lại có thêm động lực từ một số hoàn cảnh song song. Sau khi sự quan tâm và theo dõi ngày càng giảm sút vì chủ nghĩa côn đồ phá hoại bóng đá Anh, thành tích đáng khích lệ với ngôi đệ tứ anh hào tại giải vô địch bóng đá thế giới Italia 1990 tạo dựng nền tảng mới.
Thú vị hơn, ITV không phải là bạn đồng hành cùng siêu giải đấu mới này, cho dù vị lãnh đạo của họ, Giám đốc Gred Dyke cũng góp mặt trong nhóm đưa ra ý tưởng ly khai. Bạn đồng hành của siêu giải đấu mới là BSkyB, tiền thân của Sky hay cái tên quen thuộc hơn ngày nay là Sky Sport. Thời điểm những năm đầu 1990 đó, ngành truyền hình đứng trước cuộc cách mạng mang tên truyền hình vệ tinh. Sky chính là đại diện cho sự đổi mới này, trong khi ITV là đầu lĩnh của truyền hình mặt đất cũ kỹ.
Kết quả, Sky trả giá cao hơn ITV và bỏ ra 304 triệu bảng để chiếu 60 trận mỗi mùa trong 5 năm. Để dễ hình dung, ở bản hợp đồng trước của ITV và giải đấu cũ mang tên VĐQG Anh, giá trị hợp đồng là 44 triệu bảng trong vòng 4 năm, tức 11 triệu bảng mỗi năm. Bản hợp đồng trước nữa còn bi đát hơn, 5,2 triệu bảng cho bản hợp đồng 2 năm được ký vào năm 1983.
Giống như câu nói nổi tiếng của Bố Già, đề nghị của Sky là “không thể chối từ”. Và Sky đã thắng lớn với canh bạc này. Bởi giải đấu họ ký bản quyền truyền hình là Premier League, tức Ngoại hạng Anh lẫy lừng của hiện tại. Ngày nay, giải đấu được ca tụng là giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh này được phát sóng trên 212 quốc ia và vùng lãnh thổ, 643 triệu ngôi nhà và 4,7 tỷ người. Bản hợp đồng bản quyền truyền hình mới nhất giữa Ngoại hạng Anh và Sky có giá trị 5,1 tỷ bảng, tăng gấp 17 lần so với “lời đề nghị không thể chối từ” trị giá 304 triệu bảng cách đây 30 năm.
Về giá trị của các CLB, 30 năm trước, khi Premier League chập chững bước đầu tiên, tổng giá trị của các CLB tham gia vỏn vẹn 50 triệu bảng. Còn hiện tại, tổng giá trị của các CLB Ngoại hạng Anh là 10 tỷ bảng. Những sân bóng không còn cũ kỹ và nằm sâu trong các vùng dân cư. 100% sân bóng được tân trang, 9 đội bóng xây mới sân vận động, không còn những khán đài đứng khai mù cho đám hooligan quậy phá, thay vào đó là những hàng ghế tiện nghi như thể trong máy bay và có cả hạng ghế thương gia. Bóng đá Anh đã lột xác…
Vì sao Ngoại hạng Anh thành công như vậy?
Một trong những đặc trưng của các sân bóng tại Ngoại hạng Anh là không có đường chạy điền kinh vì điền kinh không trả tiền cho CLB. Nhờ vậy, các khán đài được xây dựng sát cạnh đường biên, vô tình đưa sự sôi động tới sát sân cỏ. Không chỉ vậy, ban đầu mái che các sân vận động được xây dựng rất thấp và bằng chất liệu rẻ tiền để tiết kiệm chi phí. Điều đó vô tình biến cầu trường thành chiếc loa khuếch đại âm thanh huyên náo của các CĐV cuồng nhiệt. Những tiếng hò reo, những bài hát cổ động thúc giục cầu thủ chơi bóng như điên trên sân cỏ - một dấu ấn rất riêng của Premier League.
Kiến trúc sư người Thụy Sỹ, Jacques Herzog, tác giả sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh, sân Allianz Arena tại Munich, từng nói: "Bằng cách nào đó, mô hình tạo dựng niềm đam mê cho chúng tôi là những sân bóng cũ kỹ tại Anh. Sân vận động không có vẻ gì hào nhoáng, như Old Trafford hay Anfield.
Nhưng có những chi tiết rất thú vị, như cổng vòm hay đường hầm thiết kế đặc trưng để biến thành ngôi nhà cho người hâm mộ. Ví dụ, đường hầm vào sân ở Anfield (với biển báo "This is Anfield") là nơi các cầu thủ biết rằng họ sắp bước vào sân bóng đầy sôi động".
Herzog yêu thích sự gần gũi chật chội của sân bóng Anh: "Nhà hát kiểu Shakespeare - có lẽ thậm chí là hình mẫu cho sân vận động bóng đá ở Anh". Tại các sân bóng, người hâm mộ Anh tự coi bản thân là một phần của trận đấu.
Họ đồng sáng tạo ra "chương trình" bằng cách cổ vũ và hát các bài hát truyền thống. Họ không khát khao chiến thắng bằng mọi giá. Những thất bại trở thành món ăn ưa thích cho sự hài hước tự giễu, như diễn viên hài Jassper Carrott giải thích về cuộc sống của một người hâm mộ Birmingham City: "Bạn thua một số trận, bạn hòa một số trận". CĐV Man City trong những năm tháng tồi tệ khi cổ vũ đội bóng yêu quý tại giải đấu thấp hơn, sẽ hát một cách siêu thực: "Chúng ta thực ra không ở đây".
Huyền thoại, nhà hiền triết Johan Cruyff thì rút ra kết luận: "Nếu nhìn vào các quốc gia khác, chiến thắng là trên hết. Tại Anh, có thể nói tự thân bóng đá đã là trên hết". Vì các đội bóng tại Premier League được phép thua trong mắt người hâm mộ như vậy nên họ dám chơi thứ bóng đá cởi mở, hấp dẫn và tận hiến.
Đó chính là yếu tố tiên quyết để Premier League thành công thay vì các yếu tố cực kỳ truyền thống như ngôi sao hay kỹ chiến thuật. Về ngôi sao, La Liga với hai gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona mới là địa chỉ vàng. Về kỹ chiến thuật, Serie A mới là giải đấu được đề cao. Những năm đầu thập niên 1990, Serie A mới là giải đấu số một hành tinh vì hội tụ đủ hai yếu tố kỹ chiến thuật và ngôi sao.
Premier League không trực tiếp cạnh tranh ngôi sao hay kỹ chiến thuật. Giải đấu cao nhất nước Anh đi vào “trải nghiệm người dùng”, từ sự sôi động sân cỏ đến lịch thi đấu linh hoạt để phục vụ khán thính giả khắp năm châu. Nên nhớ, Ngoại hạng Anh là giải đấu đầu tiên thi đấu vào khung giờ 18h00 theo giờ Việt Nam, tức 11h trưa tại xứ sở sương mù để thuận tiện cho lượng khán giả đông đảo tại châu Á tiện theo dõi.
Sau khi thu hút được đông đảo người theo dõi, tiền sẽ tự khắc đến. Dĩ nhiên khi đã có tiền, rất nhiều tiền, ngôi sao trên sân cỏ hay những bậc thầy kỹ chiến thuật trên băng ghế huấn luyện cũng lũ lượt dong thuyền sang đảo quốc sương mù, tạo nên bữa tiệc linh đình bậc nhất xưa nay.
Và như vậy, Premier League trở thành đế chế số một, hay đúng như cái tên được Việt hóa: đế chế ngoại hạng, không chỉ trong địa hạt bóng đá mà của cả thế giới thể thao hay thậm chí ngành giải trí thế giới.