Đấy là chưa tính đến những chi phí khác như tiền lương, tôn tạo và bảo dưỡng cơ sở vật chất… Tính ra, tổng số tiền mà Premier League chi ra cho mỗi mùa giải không dưới 1 tỷ bảng. Con số khổng lồ đó cùng với tình trạng giám sát tài chính lỏng lẻo trở thành cơ hội tốt cho nạn rửa tiền.

Nhiều vụ chuyển nhượng được khai báo hàng chục triệu bảng song không ai có thể biết rõ giá trị thực tế của nó như thế nào, bởi LĐBĐ Anh (FA) thiếu những công cụ kiểm soát hiệu quả. Hồi năm 2008, cảnh sát từng tạm giữ HLV nổi tiếng Harry Redknapp và cựu chủ tịch CLB Portsmouth là Milan Mandaric vì nghi ngờ gian lận trong vụ chuyển nhượng tiền vệ Amdy Faye. Vụ việc này còn liên quan đến tay “cò” Willie McKay và GĐĐH Peter Storrie của Portsmouth.
Mới đây, cảnh sát Bồ Đào Nha cũng bắt tay điều tra vụ chuyển nhượng của tiền đạo Bebe từ Guimaraes sang Man United vào năm 2010. Theo công bố từ Man United, Bebe được mua về với giá 7,5 triệu bảng. Nhưng điều tra của cảnh sát Bồ Đào Nha cho thấy không biết 3 triệu bảng trong số này đi về đâu.
Không chỉ thất bại trong việc giám sát chuyển nhượng, FA còn bất lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dòng tiền đổ vào Premier League. Còn nhớ, hồi tháng 6/2007, Thaksin Shinawatra từng mua lại Man City với số tiền 81,6 triệu bảng, dù khi đó vị tỷ phú này đang bị Thái Lan cáo buộc tham nhũng.
Tương tự là trường hợp tay “cò” Al Fahim mua đi bán lại Portsmouth qua nhiều chủ sở hữu. Điều đáng nói là các ông chủ sau đó của Portsmouth đều không có đủ năng lực tài chính nhưng vẫn được FA ký duyệt. Kết quả là sau đó Portsmouth phá sản và xuống hạng, còn các ông chủ mang tiền rời nước Anh.
Theo Bóng đá số