Trong các phiên thảo luận của câu lạc bộ quốc tế Valdai diễn ra hôm 27/10, có sự chia rẽ lớn về quan điểm của giới học giả khi nói đến chính sách của Nga trong thời điểm hiện tại.
Nhiều chuyên gia lo ngại Nga ngày càng trở nên hung hăng hơn trong chính sách đối ngoại và có người đổ lỗi cho Tổng thống Vladimir Putin đang có tham vọng đưa đất nước mình trở thành một siêu cường toàn cầu.
Ngược lại, một số học giả khác tỏ ra lạc quan hơn khi coi chính sách của Nga như một nỗ lực sinh động để đẩy nhanh tiến độ hóa giải cấu trúc đơn cực của trật tự thế giới vốn được hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Richard Sakwa, giáo sư nghiên cứu về chính trị Nga và châu Âu tại Đại học Kent cho rằng sự trỗi dậy của Nga sẽ trở thành đối tượng soi mói của các nước phương Tây, bởi vậy ông Putin cần phải làm rõ 3 vấn đề trong chiến lược của mình.
Thứ nhất, Nga cần tuân thủ cam kết với các tổ chức và các thiết lập mang tính quốc tế (Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, vv), bên cạnh việc xây dựng các thiết chế này khách quan và hiệu quả hơn. Trên thực tế, trong thời gian qua đã không ít lần các cường quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để chi phối một số quyết định có lợi.
Điều thứ hai, hợp tác Nga và Trung Quốc cần dựa trên chuẩn mực và hướng tới thiết lập một trật tự thế giới đa nguyên.
Thứ ba, không sử dụng các quan hệ nói trên như một công cụ để chống phương Tây, cũng như không sử dụng để đối đầu lẫn nhau mà có sự hợp tác dựa trên sự tin tưởng.
Richard Weitz, thành viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị-quân sự tại Viện Hudson nêu quan điểm rằng, Tổng thống Putin nên ít nhấn mạnh về mối đe dọa tiềm năng từ các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Thay vào đó, Moscow nên xem xét hợp tác với Mỹ trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ các quốc gia khác.
Hợp tác Nga-Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên được cho là vẫn tiến triển tốt, và điều này sẽ là tiền đề cho các hợp tác trong lĩnh vực khác.
Sheng Shiliang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu của hãng thông tấn Tân Hoa Xã thì mong muốn nước Nga sẽ cải thiện mối quan hệ với cả Ukraine lẫn Mỹ.
"Căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, giữa Trung Quốc và Mỹ, không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Nó là một cơn đau đầu cho cả Nga, Trung Quốc và Mỹ", Sheng nói.
Ông đánh giá Tổng thống Putin đã tốn nhiều công sức trong việc nâng cao sức mạnh của Nga và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Sheng tiết lộ ông Putin là một chính trị gia có uy tín cao ở Trung Quốc và được rất nhiều người dân ở quốc gia này mến mộ.
Chia sẻ trên Russia Direct, cựu thủ tướng Áo Wolfgang Schussel nói rằng ông muốn gửi một lời khuyên quan trọng không chỉ đối với bản thân ông Putin, nước Nga mà còn cho cả Mỹ và Trung Quốc:
"Chúng ta hiện đang sống trong một ngôi làng toàn cầu, bởi vậy ý tưởng quay lại những ngày tháng vinh quang xưa cũ thật là lỗi thời. Thời gian tốt đẹp nhất chính là thời điểm hiện tại. Những năm tháng thống trị của Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc trong quá khứ không thể so sánh với những gì chúng ta có ngày hôm nay".
Hãy nhìn vào ngân sách quân sự đã tăng lên như thế nào trong những năm qua: Trung Quốc nâng lên gấp bốn lần chỉ trong 15 năm , Ả Rập Xê út là gấp ba. Iran tăng gấp đôi và Nga, Mỹ cũng có tỷ lệ tương tự - từ điều này ông Schussel cho rằng "đã đến lúc các nước phải dừng lại".
Quốc Vinh