Theo The Guardian, ngày 15/12, Nga và Nhật bắt đầu bước vào cuộc hội đàm song phương với hy vọng đạt được bước đột phá trong tranh chủ quyền 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt kéo dài hơn 7 thế kỷ qua đã khiến hai nước không thể ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo đều tích cực chuẩn bị cho cuộc hội đàm với mong muốn có thể đạt được một “thỏa thuận” trong thời gian tới, nhưng cả hai bên đều thừa nhận rằng đây không phải việc dễ dàng.
“Tôi muốn bước vào cuộc hội đàm với Tổng thống Putin và quyết tâm chấm dứt những bất đồng trong thế hệ của tôi”, Thủ tướng Abe nói hồi đầu tuần này, song cũng cho biết thêm rằng một thỏa thuận về chủ quyền lãnh thổ với Nga hiện “vẫn xa vời”.
Trong khi đó, ông chủ Điện Kremlin, người sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản trong hơn một thập kỷ, cũng bày tỏ mong muốn chấm dứt những bất đồng khiến hai nước không thể ký kết hiệp ước hòa bình kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
“Tuy nhiên, làm thế nào để chấm dứt lại là một câu hỏi khó”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Nhật Bản.
Đối với Thủ tướng Abe, việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga còn là "di sản" từ người cha quá cố của ông, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe. Ông Shintaro là người dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán với Nga trước đây, nhưng vẫn chưa thu lại được kết quả.
Tổng thống Putin ngày 13/12 khẳng định, Moscow sẵn sàng thảo luận về việc duy trì hoạt động kinh tế chung với Nhật Bản trên các đảo tranh chấp, song các hoạt động này phải được thực hiện trong phạm vi chủ quyền của Nga.
Một quan chức bộ Ngoại giao Nhật Bản hé lộ, trong cuộc hội đàm tại Nagato, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình. Sau đó, ngày 16/12, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản sẽ lên đường tới Tokyo để tiếp tục tham gia một diễn đàn kinh tế.
Theo CNN, đón tiếp Tổng thống Nga tại Nagato ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của G7 từ lúc Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.
Nhiều nhà quan sát nhận định về sự nỗ lực của hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm này, đơn cử như hành động Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lựa chọn khu suối nước nóng ở thành phố Nagato như muốn gửi thông điệp, Nhật đã sẵn sàng làm ấm nóng mối quan hệ giữa hai bên.
Hay ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Nga đang tính phương án “quay lại” châu Á – Thái Bình Dương của mình trong suốt thời gian “bỏ rơi” khu vực này. Thông qua cuộc gặp thân thiện với nhà lãnh đạo Nhật Bản, rất có thể Tokyo sẽ trở thành “cầu nối” giúp Nga quay trở lại đây.
Phương Anh