PVC bán vốn công ty con để “cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

PVC bán vốn công ty con để “cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 07/06/2018 13:40

Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) của cựu Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh vừa thông báo thoái 51% vốn góp tại một công ty con để lấy tiền đầu tư vào nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bán vốn để khắc phục hậu quả thời Trịnh Xuân Thanh

Ngày 6/6/2018, công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) – công ty thành viên của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo thoái vốn tại công ty con là công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (có trụ sở tại TP.Vũng Tàu, viết tắt là PVC-IC).

Trước đó, ngày 4/6/2018, PVC cũng đã ra nghị quyết chấp nhận chủ trương thoái vốn góp của PVC tại PVC-IC với giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.

PVC-IC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó PVC đang nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương ứng số vốn góp là 153 tỷ đồng. Đây chính là số tiền thấp nhất PVC sẽ thu được nếu thoái vốn thành công.

“Toàn bộ số tiền thu được từ thoái vốn tại PVC-IC phải được sử dụng cho dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2” – nghị quyết của PVC do Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Thắng ký ngày 4/6/2018 nêu rõ.

PVC bán vốn công ty con để “cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

PVC muốn thoái vốn tại PVC-IC để đầu tư vào nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Cần nói thêm rằng, PVC dưới thời cựu Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh chính là đơn vị được chỉ định thi công gói thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào giai đoạn cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN – ông Đinh La Thăng còn đương chức.

Chính cú sa bút của ông Đinh La Thăng khi phê duyệt giao Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC thời Trịnh Xuân Thanh thi công, kéo theo hàng loạt sai phạm tại dự án này đã khiến cặp bài trùng Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh vướng vòng lao lý.

Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án trọng điểm quốc gia, được khởi công từ đầu năm 2011, dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy số 2 vào đầu năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay nó vẫn còn ngổn ngang vì chậm tiến độ, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và vướng nhiều lùm xùm, sai phạm liên quan đến đấu thầu, thu chi tài chính... 

PVC bán vốn công ty con để “cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2  (Hình 2).

Cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giác đốc PVC - ông Trịnh Xuân Thanh

Nguyên nhân chậm tiến độ, thất thoát là do ông Đinh La Thăng đã chỉ định thầu, giao cho PVC là một đơn vị thành viên, khi PVC chưa đủ nhiều điều kiện đảm nhận và thời điểm năm 2011 tình hình tài chính của PVC đang vô cùng bết bát.

Ông Đinh La Thăng cũng chỉ đạo thuộc cấp ký hợp đồng sai nguyên tắc giữa PVN với PVC để triển khai dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sau đó tạm ứng sai nguyên tắc cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Khi nhận được khoản tạm ứng từ PVN để triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã trích hơn 1.100 tỷ đồng để chi dùng vào việc trả nợ và đầu tư khác, không liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thiệt hại do 2 bị can Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh gây ra đối với khoản tiền tạm ứng vi phạm trên ước tính khoảng 119 tỷ đồng (là tiền lãi ngân hàng tối thiểu đối với khoản đầu tư sai mục đích).   

Ngày 14/5/2018, hội đồng xét xử phúc thẩm tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã y án sơ thẩm, tuyên phạt 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng vì tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng Đại Dương.

Ông Trịnh Xuân Thanh nhận hình phạt chung là tù chung thân về tội cố ý làm trái, tham ô tài sản ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Vũng Áng – Quảng Trạch và vụ PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.

Ai sẽ mua 51% cổ phần mà PVC muốn thoái?

Trở lại vụ việc thoái vốn của PVC tại PVC-IC, có thể đưa ra nhận định rằng giá trị thoái vốn không lớn song thương vụ thoái vốn này thì không ai dám đảm bảo rằng sẽ chắc chắn thành công. Bởi sau các vụ lùm xùm thời kỳ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, các mã cổ phiếu họ dầu khí đã khiến cho nhà đầu tư tỏ ra thờ ơ.

Mặt khác, doanh nghiệp mà PVC đang muốn bán vốn có một tình hình kinh doanh khá là bết bát.

Báo cáo tài chính của PVC-IC năm 2017 cho thấy, doanh thu của công ty đạt 298 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với năm 2016, lần lượt ghi âm các chỉ số: Hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ 4,7 tỷ đồng, lỗ thuần hoạt động kinh doanh là 45 tỷ đồng, lỗ sau thuế 42 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là gần 58 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của PVC-IC đạt hơn 1.206 tỷ đồng, trong đó 1.149 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20% tổng tài sản (259 tỷ đồng), còn lại là vay nợ. Điều đáng nói, toàn bộ số tiền 950 tỷ đồng doanh nghiệp đang vay nợ đều là nợ ngắn hạn, cho thấy chất lượng tài sản của PVC-IC rất thấp, khi đối tác đòi nợ doanh nghiệp sẽ mất khả năng cân đối dòng tiền.

Trong tổng tài sản 1.206 tỷ đồng đó chỉ có 1,9 tỷ đồng tiền “tươi” khả dụng, còn lại là 348 tỷ đồng phải thu, 754 tỷ đồng ngập vào hàng tồn kho...

Đáng chú ý, doanh nghiệp đang có một khoản tương đương tiền 45 tỷ đồng hiện bị kẹt cứng trong nhà băng tai tiếng OceanBank (ngân hàng Đại Dương) do vướng vào lùm xùm PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank và mất trắng.

Cụ thể, đây là khoản tiền mà PVC-IC gửi có kỳ hạn 1 tháng tại OceanBank chi nhánh Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước, OceanBank phải tạm dừng chi trả cho khách hàng là tổ chức kinh tế thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hiện ban Giám đốc PVC-IC cũng như cơ quan kiểm toán xếp khoản 45 tỷ đồng này vào danh mục tài sản tương đương tiền sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai nên không cần trích lập dự phòng.

Lại nói về tiến độ hiện tại của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin hồi đầu năm 2018, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng giám đốc PVN cho biết, để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ, dự án đã nâng số nhân lực từ 300 lên 1.200 người ở thời điểm hiện tại, dự kiến quý 3/2018 sẽ tiến hành đốt lò tổ máy đầu tiên.

Không chỉ PVC-IC mà chính công ty mẹ PVC hiện cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. Theo báo cáo thường niên của công ty thì năm 2017 doanh thu hợp nhất PVC đạt 3.900 tỷ đồng, chỉ bằng 42% so với thực hiện của năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế của công ty lỗ 416 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 366 tỷ đồng. Lỗ lũy kế công ty mẹ đến thời điểm cuối năm 2017  là hơn 3.200 tỳ đồng.

Với tình hình kinh doanh và tài sản của PVC-IC cũng như công ty mẹ PVC như trên, vấn đề đặt ra là nhà đầu tư nào sẽ chi hàng trăm tỷ đồng mua lại 51% vốn góp của PVC tại PVC-IC để giúp PVC có thêm nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ của dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, để nó không còn là công trình tai tiếng mang dấu ấn thời lãnh đạo cũ??

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.