Lòng vòng “phù phép” đất công
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là khu đất công nhưng đã bị mua rẻ, bán đắt và hiện tại đã “chạy” vào túi tư nhân gây thất thoát tài sản Nhà nước nghiêm trọng.
Theo đó, khu đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, có diện tích nhà 655,6m2, diện tích đất là 596,7m2, nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Nó vốn là tài sản Nhà nước do công ty Quản lý và Phát triển nhà (thuộc sở Xây dựng Hà Nội quản lý) cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuê làm trụ sở, đến thời điểm tháng 1/2008 hợp đồng thuê hết hạn nhưng chưa ký lại.
Trên cơ sở đề nghị của bộ Tài chính, ngày 6/10/2008, Thủ tướng có Văn bản số 1665/TTg-KTN cho phép UBND TP Hà Nội bán cơ sở nhà, đất này cho tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC, là công ty con của PVN) để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của PVC phù hợp với quy hoạch của TP Hà Nội.
Trước đó, tháng 4/2020, tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định thanh tra đối với dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu đất vàng tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời kỳ thanh tra là từ khi chuẩn bị thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến ngày 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này.
Tháng 8/2009, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8086/UBND-KT xác định giá bán tài sản trên đất, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du là gần 39,9 tỷ đồng. PVC nộp khoản tiền mua đất này vào ngày 17/11/2009.
Tuy nhiên, sau đó PVC không xây trụ sở mà tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này. Ngàỵ 31/12/2009, PVC ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá trị lên tới 95,9 tỷ đồng.
Hành vi tổ chức bán đấu giá của PVC được coi là hành vi “cầm đèn chạy trước ô tô”, bởi phải đến ngày 20/4/2016, UBND TP.Hà Nội mới có Quyết định số 1860/QĐ-UBND thu hồi đất tại số 69 Nguyễn Du giao công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành để cải tạo xây dựng tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du.
Thủ tướng chỉ đạo thu hồi, chuyển xử lý hình sự
Đối với những sai phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND TP Hà Nội, bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du.
Cụ thể, theo Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thì thẩm quyền quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND TP Hà Nội.
Do vậy, việc PVC, PVN, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà đất 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.
Sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép PVC chuyển nhượng cơ sở nhà đất trên. Sau đó, PVC thuê công ty Cổ phần Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và ủy quyền cho công ty tư vấn này bán đấu giá trong khi UBND TP Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.
“Tháng 12/2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng như trên là không có cơ sở pháp lý, sai quy định luật Đất đai 2003, Nghị định 05/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản”- kết luận thanh tra nêu rõ.
Từ kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này. Đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Kiến nghị này cũng đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chấp thuận.
Nhận diện chủ nhân mới của “đất vàng” 69 Nguyễn Du
Dấu hỏi vai trò Trịnh Xuân Thanh..
Giai đoạn diễn ra vụ thâu tóm đất công này cũng là thời điểm Trịnh Xuân Thanh đang nắm giữ cương vị lãnh đạo quan trọng tại PVC. Cụ thể, năm 2007, ông Thanh đang là Tổng Giám đốc của tổng công ty Sông Hồng được điều về làm Phó Tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này. Đến tháng 9/2013, khi PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng và có nguy cơ mất vốn, ông Thanh được cựu Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ - Trưởng đại diện văn phòng miền Trung của bộ Công Thương.
Theo tìm hiểu của PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, năm 2002, ông Lê Hồng Thái (sinh năm 1974) thành lập công ty TNHH Hợp Thành chuyên sản xuất sợi và các sản phẩm nhựa. Đến tháng 5/2007, doanh nghiệp này chuyển đổi thành công ty CP đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Về sau, doanh nghiệp mở rộng hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp...
Đáng chú ý, ông Lê Hồng Thái từng là thành viên HĐQT tổng công ty PVC, cùng thời điểm Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Thái còn là Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC- IMICO), công ty con của PVC, vào thời điểm cả hai công ty này kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng. Cuối tháng 9/2010, Trịnh Xuân Thanh ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT của PVC.
Đây cũng là công ty nổi tiếng sau thương vụ thâu tóm 86,23% cổ phần của cảng Quy Nhơn vào năm 2015 (mặc dù không có kinh nghiệm gì về cảng biển), sau đó Thanh tra Chính phủ cũng kết luận thương vụ này có nhiều sai phạm.
Khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du từng bị Khoáng sản Hợp Thành cầm cố ở ngân hàng để vay vốn hồi tháng 12/2015 nhưng không rõ cho đến nay hợp đồng tín dụng này đã được tất toán hay chưa.
M.M