Nợ xấu chồng chất
Công ty Kiểm toán Deloitt đã không lượng hóa được khả năng thu hồi vốn của nhiều khoản cho vay của PVFC. Thứ nhất là khoản cho vay đồng tài trợ đối với Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) một đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - trị giá 35.301.791 USD (tương đương hơn 735 tỷ đồng), cùng số lãi dự thu tương ứng khoảng 83 tỷ đồng (đã ngừng dự thu từ 2011).
Thứ hai là khoản ủy thác cho vay thông qua Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) đối với Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) - một đơn vị được bàn giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam sang Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - với số dư gốc vay là 20,2 triệu USD (tương đương 421,6 tỷ đồng), số lãi dự thu là 44 tỷ đồng.
Hiện PVFC giữ nguyên trạng thái nợ đối với các khoản cho vay trên và chưa trích dự phòng bổ sung. Tuy nhiên, điều đáng chú ý lại nằm ở tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Cụ thể, giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay thứ nhất còn lại đến thời điểm hiện tại là tàu biển được ngân hàng đầu mối định giá từ năm 2007 với giá trị vỏn vẹn có 186 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay thứ hai là các tàu biển được định giá năm 2009 với giá trị tương đương 136 tỷ đồng. PVFC cho biết, trong năm 2012, họ nhận thêm tài sản đảm bảo là 2 xe ô tô và các tài sản hình thành từ dự án cảng Phú Hữu và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với dự án này.
Tại sao giá trị tài sản đảm bảo lại thấp như trên so với khoản cho vay và với biến động thị trường như thời gian qua? Nếu đánh giá lại giá trị các con tàu trên, số tiền còn lại sẽ là bao nhiêu? Chưa kể, Falcon và Vinashinlines thuộc danh sách doanh nghiệp thực hiện phá sản theo đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt.
Chính vì thực tế này, kiểm toán cho hay họ không thể xác định được giá trị có thể thu hồi đối với số dư 2 khoản tín dụng nói trên và mức dự phòng rủi ro tín dụng cần phải trích lập tương ứng vào thời điểm cuối năm 2012.
Chưa hết, PVFC còn đang mắc kẹt với hơn 600 tỷ đồng tiền ứng trước cho khách hàng. Đây là khoản tiền một số hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm và ứng trước ủy quyền bán đã đến hạn, nhưng các nhà đầu tư không nhận lại danh mục đầu tư và hoàn trả công ty số tiền nhận ứng trước khoảng 580 tỷ đồng và phí khoảng 115 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, giá nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư đang thấp hơn so với giá gốc đầu tư sau khi trừ giá trị dự phòng đã trích lập. PVFC sẽ ôm cục nợ này đến bao giờ và có khả năng thanh lý được danh mục cổ phiếu này hay không khi thị trường chứng khoán không còn mặn mà với những cổ phiếu đó?
Chỉ cần nhìn vào 3 khoản cho vay rất lớn kể trên, có thể thấy nếu chỉ cần hạch toán dự phòng thôi, chưa cần đủ, con số lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 53 tỷ đồng của PVFC sẽ không có ý nghĩa.
Cơ cấu thu nhập đáng lo ngại
Trong cơ cấu nguồn thu của PVFC, nếu loại bỏ lợi thế ngành, sẽ có nhiều điểm đáng lo ngại. Cụ thể, hoạt động dịch vụ lỗ 57 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 17 tỷ đồng; mua bán chứng khoán lỗ 285 tỷ đồng. Chỉ có hoạt động khác kéo lại cho PVFC khoản lãi thuần 2.594 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ khoản thu nhập từ hoạt động khác này mới thấy doanh nghiệp có lợi thế ngành rất lớn. Nếu loại trừ khoản mục này, thu nhập sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, trong cơ cấu khoản lãi trên có phần thu từ ủy thác đầu tư chỉ định mục đích, lãi suất cố định là 522 tỷ đồng và lãi từ hợp đồng ủy thác thu mua trái phiếu là 1.252 tỷ đồng.
Là thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), PVFC được nhận ủy thác rất lớn từ các tổ chức kinh tế, chủ yếu là các đơn vị trong ngành dầu khí và cả tập đoàn mẹ để cho vay các tổ chức kinh tế đã được chỉ định trong hợp đồng ủy thác. Nếu loại bỏ đặc lợi này và hoạt động cạnh tranh như các tổ chức tài chính khác, PVFC sẽ ra sao?
Hiện PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó PVN sở hữu 78%, 10% thuộc về cổ đông nước ngoài Morgan Stanley và 12% còn lại thuộc về cổ đông bên ngoài. Với cơ cấu như trên, có thể thấy hoạt động của PVFC gần như vẫn phụ thuộc chủ yếu vào định hướng của cổ đông lớn nhất là pVN.
Điều này giải thích vì sao các kỳ đại hội cổ đông của PVFC diễn ra cực kỳ êm ả, dù hoạt động của tổng công ty này có nhiều điều đáng nói và khiến không ít cổ đông bức xúc.
Cuộc 'hôn phối' của hai kẻ yếu
Thương vụ sáp nhập PVFC – WesternBank đang được thị trường rất quan tâm. Hiện đề án sáp nhập đã được hai bên trình lên NHNN, nhưng còn phải chỉnh sửa một số điều và chưa được phê duyệt. Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, Đại hội đồng cổ đông của PVFC năm nay sẽ bàn thảo về vấn đề này.
Ông Nguyễn Thiện Bảo, tổng giám đốc PVFC từng giải thích với báo chí, mô hình công ty tài chính là chiếc áo quá chật đối với PVFC và rất khó để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Cụ thể, hiện nay PVFC không được huy động vốn với kỳ hạn dưới 1 năm, không được thực hiện dịch vụ thanh toán, cho thuê tài chính. Thêm vào đó, mạng lưới chỉ bao gồm 10 chi nhánh và 25 điểm giao dịch trên cả nước… Chuyển đổi thành công mô hình hoạt động sẽ giúp PVFC cải thiện nguồn thu. Không là quá sớm để nói rằng, PVFC sẽ chuyển thành ngân hàng.
Tuy nhiên, tương lai của ngân hàng này có gì để kỳ vọng? Sau sáp nhập, ngân hàng mới có vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương với một ngân hàng có quy mô lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, Western Bank là ngân hàng yếu (nếu không đã không phải tái cấu trúc bắt buộc), dấu cộng của 2 cơ thể yếu liệu có tạo ra một cơ thể mới cường tráng? Câu trả lời là chưa chắc.
Con át chủ bài của ngân hàng mới vẫn nằm ở danh vị có cổ đông lớn là PVN. Điều này đảm bảo cho khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, khối doanh nghiệp vốn là khách hàng mục tiêu của rất nhiều ngân hàng.
Theo lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, PVN phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PVFC xuống 20% và chỉ được tham gia góp vốn tại 1 ngân hàng. Hiện PVN còn có 20% cổ phần tại oceanBank.
Tuy nhiên, nếu cứ dựa mãi vào cái bóng của cổ đông lớn mà không quyết liệt cơ cấu lại bản thân mình, sẽ khó thoát khỏi cái nhìn của thị trường là “thùng rỗng”.
Theo Doanh Nhân