Sau khi các nước Trung Đông chấm dứt quan hệ ngoại giao, thậm chí “phong toả” đường biển, đường bộ, đường hàng không, dư luận lo ngại 1.800 lao động đang làm việc ở Qatar sẽ bị ảnh hưởng.
Trao đổi PV, Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ đã yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến tại Qatar và dự phòng các tình huống xấu nhất. Mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho hơn 1.800 lao động Việt Nam được đặt lên hàng đầu.
“Ngay khi có những thông tin phát sinh về Qatar, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu cục Quản lý lao động ngoài nước báo cáo nhanh về tình hình lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Bộ đã chỉ đạo cục Quản lý lao động yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi sát sao và báo lại địa chỉ làm việc và nhà thầu tiếp nhận lao động để khi cần sẽ hỗ trợ người lao động.
Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu tuỳ viên về lao động của bộ LĐ-TB&XH tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả rập Xê út tăng cường theo dõi thông tin và khi cần sang tận nơi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Mặc dù hiện lao động Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc “phong tỏa” của các nước với Qatar nhưng cũng có nhiều ý kiến quan ngại, dự liệu tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Chia sẻ về điều này, đại diện bộ LĐ-TB&XH cho hay: “Bộ LĐ-TB&XH cũng không bỏ qua phương án xử lý khi tình huống xấu nhất, dù không hề mong muốn xảy ra. Trước đây, chúng ta cũng có thực tiễn trong 2 đợt “giải cứu” đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Libya về nước do tình hình chiến sự. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý của mình, trước hết doanh nghiệp phải chủ động kế hoạch đưa lao động của mình về nước khi có tình hình xấu”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết thêm, khi cần Bộ sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để đưa lao động về nước.
N.Giang