Đã 12 năm kể từ khi FIFA trao quyền đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Thế giới cho Qatar, và giải đấu sẽ chính thức bắt đầu sau vài ngày nữa.
Chủ đề nóng nhất mà các nhà kinh tế đang thảo luận là giải bóng đá lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh tế của quốc gia này trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa kinh tế của Qatar. Lĩnh vực tài chính, bất động sản, du lịch, khách sạn, y tế và giao thông vận tải của quốc gia này dự kiến sẽ bùng nổ nhờ World Cup 2022, ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế nước này trong những năm tới.
Qatar hy vọng sẽ tận dụng sự kiện này để làm nổi bật quá trình chuyển đổi nhanh chóng của mình từ một vùng đất lặn tìm ngọc trai khiêm tốn thành một thành phố vùng Vịnh, một cường quốc xuất khẩu năng lượng và một trung tâm giao thông vận tải.
Tổng cộng có 3,2 triệu vé đã được phát hành cho giải đấu, một phần ba trong số đó được phân bổ cho các nhà tài trợ và nhà vận chuyển. Theo số liệu của FIFA, lượng vé bán ra đã đạt 2,89 triệu tấm tính đến ngày 17/10.
Quốc gia Trung Đông dự kiến sẽ thu về 17 tỷ USD sau sự kiện thể thao thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tuy nhiên, con số này không thể nào bù đắp hết những chi phí mà Qatar phải bỏ ra để tổ chức giải bóng đá xa hoa bậc nhất trong lịch sử World Cup.
Chi phí khổng lồ
Các cơ quan truyền thông cho biết, Qatar đã bỏ ra ít nhất 220 tỷ USD để chuẩn bị cho giải đấu diễn ra từ ngày 20/11, gấp gần 20 lần so với số tiền Nga bỏ ra tại World Cup 2018.
Theo công ty tư vấn tài chính Front Office Sport, số tiền 220 tỷ USD dành tổ chức World Cup năm nay cao gấp nhiều lần so với con số kỷ lục 14 tỷ USD ở World Cup tại Brazil năm 2014 và gấp 5 lần so với chi phí dành cho 7 giải đấu gần nhất cộng lại.
Tiểu vương quốc nhỏ bé này đã xây dựng 6 sân vận động hoàn toàn mới, mỗi sân vận động đều có hệ thống điều hòa không khí cực kỳ hiện đại để bảo vệ người hâm mộ và các cầu thủ khỏi cái nóng. Chỉ riêng sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 chỗ ngồi đã tiêu tốn 3 tỷ USD, gấp hơn 3 lần chi phí của sân Stade de France gần Paris, được xây dựng cho World Cup 1998.
Ngoài các sân vận động, Qatar còn bắt tay vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, xây dựng một sân bay, 3 tuyến tàu điện ngầm và một thành phố hoàn toàn mới hoàn chỉnh với các khách sạn, sân golf và bến du thuyền sang trọng. Những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ này không nằm trong đánh giá của chính tiểu vương quốc về chi phí chung của giải đấu.
Tất cả các sân vận động tổ chức World Cup đều nằm trong bán kính 55 km xung quanh thủ đô Doha, vì Qatar muốn tổ chức một sự kiện nhỏ gọn trong đó tất cả các cơ sở đều có thể dễ dàng tiếp cận. Do đó, các sân vận động Quốc tế Khalifa và Thành phố Giáo dục chỉ cách nhau 5 km.
Nguy cơ suy thoái
Dù Theo một báo cáo mới của S&P Global Ratings, Qatar có khả năng sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau kỳ World Cup 2022 do các khoản chi vượt quá khả năng tài chính của quốc gia này.
GDP của Qatar đạt khoảng 180 tỷ USD vào năm 2022. Chi phí 220 tỷ USD bỏ ra trong 12 năm qua đồng nghĩa với việc quốc gia này chi 18,3 tỷ USD/năm, tương đương hơn 10% GDP của quốc gia này.
Tất nhiên, khoản đầu tư này có đóng góp lâu dài cho sự phát triển của Qatar, nhưng cũng có một phần trong số đó chỉ có tác dụng trong mùa World Cup. Chẳng hạn, tàu điện ngầm hay đường cao tốc nối 2 sân vận động ở 2 đầu Doha khiến cho quá trình di chuyển giữa các trận đấu hết sức thuận tiện, nhưng gần như không đóng góp gì cho nền kinh tế của Qatar.
Qatar vẫn sẽ phải chi ra một khoản tiền lớn sau khi giải đấu kết thúc. Một số sân vận động dự kiến sẽ được tháo dỡ và chuyển đi nơi khác. Những sân vận động và tòa nhà còn sót lại sẽ cần được bảo trì và vận hành hàng năm, tiêu tốn hàng triệu USD.
Những công trình này sẽ tiếp tục chiếm giữ bất động sản có giá trị và không phù hợp cho các mục tiêu tiềm năng khác. Phần lớn các khách sạn được xây dựng để phục vụ du khách tham dự World Cup sẽ không thể tiếp tục hoạt động. Nhiều người lao động ngoại quốc sẽ bị mất việc.
Ngoài ra, số lượng hơn một triệu du khách dự kiến đến quốc gia này xem World Cup sẽ chỉ mang về lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, và những thách thức về mặt hậu cần của sự kiện tầm cỡ quốc tế sẽ sớm được phơi bày.
Thực tại khả quan
Bất chấp những báo cáo mới nhất, các nhà phân tích tin rằng World Cup 2022 sẽ có tác động kinh tế lớn đối với quốc gia vùng Vịnh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển khi Doha tăng gấp đôi quy mô.
Qatar gần đây đã được xếp hạng là quốc gia Ả Rập giàu nhất và là quốc gia giàu thứ tư thế giới, theo Global Finance. Xếp hạng của Qatar được đưa ra khi nền kinh tế của nước này tiếp tục phục hồi sau đại dịch, được Ngân hàng Thế giới mô tả là “nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.
GDP bình quân đầu người của một công dân Qatar là hơn 143.222 USD vào năm 2014. Con số này giảm xuống còn 97.846 USD một năm sau đó và duy trì cho đến ngày nay.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của đất nước dự kiến sẽ tăng 4,9% trong năm nay, 4,5% trong năm 2023 và 4,4% vào năm 2024.
“Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của đất nước này quá lớn so với quy mô dân số - chỉ 2,8 triệu người, cho nên quốc gia của những kỳ quan kiến trúc cực kỳ hiện đại, trung tâm mua sắm sang trọng và ẩm thực hảo hạng này đã đứng đầu danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới trong 20 năm”, Global Finance cho biết.
Tạp chí này cũng cho biết tăng trưởng kinh tế của Qatar cũng sẽ nhanh nhất so với các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) khác trong 2 năm tới.
Trong khi đó, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani cho biết đất nước của ông đã và đang sửa đổi luật pháp để khuyến khích giao dịch thương mại, tăng cường cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
Doha cho biết họ sẽ đầu tư 45 tỷ USD vào du lịch sau World Cup và hy vọng tăng gần gấp đôi đóng góp của ngành công nghiệp không khói vào GDP quốc gia trong 16 năm tới.
Nguyễn Tuyết (Theo France 24, Doha News, Qatar Tribune)