Lại thêm một năm khó khăn chung của nền kinh tế, năm 2012 số doanh nghiệp giải thể nhiều, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho nhiều, tiền mặt khan hiếm nên tết cũng đến muộn. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận cắt giảm 40-50% chi phí cho "nghĩa vụ vui vẻ" liên hoan, tổng kết. Thị trường quà tết cũng vào cuộc chậm chạp, còn doanh nghiệp chọn những món quà mang tính... có còn hơn không. Nhưng âm thầm trong dòng chảy quà biếu vẫn là cuộc cạnh tranh của cá nhân với những món quà độc - lạ với giá... trên mức tình cảm.
Doanh nghiệp thắt chặt hầu bao
Theo lẽ thường, đến cuối năm các doanh nghiệp đều mở tiệc tri ân khách hàng, đối tác và quan trọng là khách VIP đem lại lợi thế cạnh tranh. Bảng phân loại "đối tác" tặng quà khiến nhiều công ty phải đau đầu, nhân viên phải trình sếp ký duyệt nhiều lần. Với những đối tác bình thường quà tặng là những giỏ quà có giá trị vài trăm ngàn đồng do đội nhân viên chuyên đi biếu quà tết đảm nhận. Năm nay, tiếp nối những khó khăn từ năm trước nên không khí quà cáp, biếu xen càng được cắt giảm hơn, những món quà cũng giảm đi giá trị đôi phần. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng nhất ở các công ty chứng khoán và bất động sản. Nếu như thời điểm "vàng son" cách đây vài ba năm trước, khi "bong bóng chưa xì hơi", các "đại gia" này chơi trội phải biết. Tiệc tùng sang trọng, phong bì đại trà cũng 3-5 triệu đồng cho giới truyền thông, còn đối tác VIP, quà tặng bằng tiền mặt hoặc tặng vật có giá trị lên tới tiền tỷ. Vậy nhưng, năm nay khó khăn với các doanh nghiệp ngành bất động sản và xây dựng vẫn chất chồng, nhà đất không bán được, tiền lương nhân viên cũng bị cắt giảm, do vậy "nghĩa vụ vui vẻ" cũng đành phải… giảm theo. Trừ những chỗ bất đắc dĩ, "nuôi quan hệ" chờ thời cơ tận dụng, các "đại gia" mới chịu chi tiền.
Ông Phạm Đức Toản, giám đốc một công ty bất động sản cho biết: "Năm nay, kinh tế khó khăn, công ty tôi cũng giống nhiều công ty khác đều bị ảnh hưởng. Những năm trước, những ngày cuối năm này, chúng tôi liên tục phải mở tiệc chiêu đãi, quà biếu khắp các đối tác nhưng năm nay chúng tôi chỉ "khoanh vùng" những đối tác thật sự thân thiết".
Ảnh minh họa
Trần Ngọc Hiền, trưởng phòng đối ngoại của một công ty trong lĩnh vực truyền thông và ứng dụng internet cũng tiết lộ: "Năm nay, công ty cũng cắt giảm nhiều những chi phí quà cáp biếu tết. Thay vì tổng kết, gặp gỡ đối tác bằng tiệc tri ân làm ở khách sạn lớn như mọi năm, năm nay công ty chỉ làm tiệc ngọt tại hội trường. Tất nhiên, quà tết không thể thiếu nhưng cũng chỉ mang tính tượng trưng. Nói là tiết kiệm thì cũng không hẳn, vì tâm lý ai cũng muốn một năm làm việc vất vả, cuối năm sẽ được thưởng tết, biếu quà đối tác chu đáo. Nhưng kinh tế khó khăn, công ty tôi đành lực bất tòng tâm". Ngay cả những tập đoàn kinh tế lớn đứng trước những món nợ khổng lồ được công bố nên năm nay càng thực hiện rất nghiêm túc chỉ thị tết tiết kiệm. Những cuộc gặp gỡ đầu năm (trước tết cổ truyền) thay vì có tiệc mặn rình rang thì năm nay đa phần các tập đoàn này đã cắt bỏ tiệc tùng. Quà tặng cho đối tác chỉ là giỏ quà toàn bánh kẹo nội, hay một hộp bánh mang ý nghĩa tượng trưng và tất nhiên "phong bì" cho đối tác cũng rút đi phân nửa.
Có lẽ, năm nay buồn hơn cả là những nhà hàng, khách sạn lớn nơi diễn ra tiệc tùng gặp gỡ đối tác của các doanh nghiệp hàng năm. Anh Đức Hùng, nhân viên của một nhà hàng lớn trên phố Lý Thường Kiệt, nơi được chọn để tổ chức những bữa tiệc chiêu đãi của nhiều doanh nghiệp cho biết: "Năm trước, tiệc đặt liên hoan tại nhà hàng đã giảm nhiều, năm nay cho đến trước tết dương lịch, chúng tôi vẫn chưa thấy tình hình cải thiện. Tôi đang lo năm nay kinh tế khó khăn hơn, tiệc tùng cuối năm càng giảm lại càng ít doanh nghiệp tổ chức liên hoan mời đối tác tại đây".
Nhiều địa chỉ chuyên cung cấp quà biếu cho các doanh nghiệp dịp lễ tết năm nay cũng gặp cảnh hàng bày la liệt nhưng thưa vắng người mua. Số lượng hàng bán được của các đơn vị này giảm đi nhiều so với mọi năm. Ông Lê Minh Cường, giám đốc kinh doanh công ty Kingbas, chuyên cung cấp rượu ngoại làm quà tết chia sẻ: "Năm nay lượng rượu mà các tổ chức, doanh nghiệp đặt mua của chúng tôi giảm nhiều. Nhiều doanh nghiệp cũng không chọn những thương hiệu cao cấp có giá lên tới tiền triệu nữa mà họ chọn những sản phẩm có mức giá thông dụng 500-800 ngàn đồng. Số lượng hàng tiêu thụ năm nay của công ty ước chừng sẽ giảm 15-20%".
Trên các trang mạng mua và bán, đang có gần 20 đơn vị giới thiệu trên 100 giỏ quà tết đa phần là bánh kẹo, rượu ngoại nhập với giá thấp nhất khoảng 200.000 đồng, giá cao nhất khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Đào Quốc Huân, với giỏ quà tết mà đơn vị của anh chào bán với giá dưới 300.000 đồng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hơn cả. Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp chấp nhận phương án biếu quà "đại khái" để đạt được tiêu chí... có hơn không.
Nhìn nhận thực tế cắt giảm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Một năm kinh tế có nhiều khó khăn, hơn 50 ngàn doanh nghiệp tuyên bố phá sản, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân thì chuyện mạnh tay vung tiền liên hoan, quà biếu là điều không thể. Đây cũng là chuyện phổ biến của nhiều doanh nghiệp, bởi lẽ chi tiêu nhiều sẽ khó khăn tài chính cho năm sau. Nhìn vào cách biếu xén tết của doanh nghiệp năm nay lại thấy trong khó khăn chung, vật chất xuống một nấc thì tình cảm lại tăng lên chăng?. Ai cũng hiểu khó khăn của năm nay nhiều hơn năm trước nên cũng sẵn sàng chia sẻ".
Âm thầm cuộc chạy đua và tìm cách... ghi điểm
Nếu các công ty đắn đo trong việc chi tiêu như thế nào để biếu quà tết cho đối tác, cho những người có tầm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp thì trong mối quan hệ đặc biệt vẫn có cá nhân chấp nhận bỏ nhiều tiền tìm mua những món quà... giàu tính vật chất. Những tháng gần tết, nhiều cá nhân cất công săn tìm những của ngon vật lạ, các loại ẩm thực cung đình, những món đồ ăn bổ dưỡng liệt vào hàng sơn hào hải vị, cao lương mỉ vị siêu cao cấp dành cho vua chúa thời xưa để… làm quà biếu. Năm nay, các loại đặc sản đắt đỏ, được coi là tốt cho sức khoẻ như vây cá mập, ngẩu pín, tổ yến... đang được ưa chuộng. Các nhân viên của một cửa hàng yến sào đóng tại thủ đô cho biết, trước tết 2 tháng đã có rất nhiều khách gọi điện đến đặt hàng.
Đáp ứng nhu cầu phong phú quà tặng cho cá nhân biếu tết nhau, nhiều công ty đã nhập những món hàng là sản phẩm đắt tiền để phục vụ khách hàng sành điệu đi biếu tết - đó là những món quà nổi tiếng mang thương hiệu quốc tế, có lịch sử văn hóa, di sản về phẩm chất là bởi đằng sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện huyền thoại như: Chocolate Thụy Sỹ, Cigar Cuba, hương vị tinh túy của rượu Macallan được chắt lọc và ướp hương gỗ sồi thượng hạng. Mỗi sản phẩm The Macallan đều được chưng cất trong những lâu đài tuyệt đẹp có niên đại từ thế kỷ XVIII mang đậm dấn ấn lịch sử và văn hóa bản xứ là loại rượu hảo hạng, đứng ở vị trí số 1 để đi biếu năm nay. Tuỳ tuổi rượu (21, 25 và 30 năm) sẽ có giá dao động từ 5-30 triệu đồng/chai.
Sự chọn lựa quà biếu của cá nhân rất phong phú, nó phù hợp với địa vị xã hội, điều kiện kinh tế của từng người. Chính vì thế, có người cầu kỳ chọn những sản phẩm đồ trang trí độc đáo như đồ khảm thủy tinh; các bức tranh khảm nạm hình rồng; cây giả được làm từ vật liệu quý; tranh phong thủy được dát vàng. Giá trung bình cho mỗi sản phẩm trên vô cùng phong phú, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy theo đơn đặt hàng. Để đáp ứng nhu cầu "độc - hiếm" thực sự, ngoài những sản phẩm bình dân, những sản phẩm cao cấp như Cầu phong thủy thạch anh có giá 200-400 triệu đồng; Tỳ hưu đá đen có giá thấp nhất 15-20 triệu đồng; hay tuỳ thuộc vào mệnh của người được biếu quà mà có các sản phẩm Tử thủy tinh động, Thất tinh trị, Rồng Phượng chầu chữ Hỷ; Voi 6 ngà; Cây nho ngọc… cũng được các khách hàng VIP đặt mua.
Chị Nguyễn Hoài Thương, người giới thiệu những sản phẩm xa xỉ này cho biết, đến thời điểm này chị đã nhận được nhiều điện thoại của một số cá nhân đặt mua hàng và làm các sản phẩm theo yêu cầu. Không chỉ có các loại đá quý, nhiều khách hàng "chịu chơi" yêu cầu làm tặng phẩm bằng vàng 9,999. Cũng theo chị Thương, sản phẩm phong thuỷ được nhiều người lựa chọn trong năm nay là quả cầu phong thuỷ dát vàng chạm bách xà. Giá của sản phẩm này, tuỳ theo kích cỡ mà dao động từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Lạm bàn về những món quà mang nặng tính vật chất này, TS. Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) khẳng định: "Người Việt mình mang nặng tính vụ lợi, người ta biếu ai một món quà gì đấy thì mong nhận lại một lợi ích tương tự. Vì thế, người làm ăn lớn thì biếu quà đắt tiền, công ty nhận được nhiều đặc ân thì cũng phải biếu quà cho tươm tất để xứng với đặc ân ấy. Vì thế, truyền thống tặng quà ngày tết đã bị lợi dụng thành dịp biếu xén và lobby cho các mối quan hệ phục vụ lợi ích cá nhân. Do đó không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ phải ra Nghị định quy định về việc cấm quà biếu tết. Bản chất việc biếu quà của nhiều người là vụ lợi chứ tâm không trong sáng nên quà biếu mới nặng về vật chất".
Minh Khánh