Thay đổi kế hoạch vào phút chót
Ngày 15/12, sau nhiều lần trì hoãn và gia hạn, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã chứng khoán: PVX) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017.
Đây có thể coi là ĐHĐCĐ được trông đợi nhiều nhất thời điểm này khi mà chỉ còn 2 tuần trước thời điểm kết thúc năm tài chính. Đặc biệt hơn trong bối cảnh hàng loạt lãnh đạo PVC cũng như công ty mẹ là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố, bắt giam vì các sai phạm trong quá khứ.
Tuy vậy, trái với kỳ vọng của cổ đông, các vấn đề nóng như tình hình nhân sự, dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,... đều không được đề cập đến trong đại hội. Phiên họp vắng vẻ với không khí ảm đạm như chính tình hình kinh doanh của PVC năm qua. Thậm chí, khi nghe các báo cáo từ Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và ban kiểm soát tổng công ty, có cổ đông đã... ngủ gật ngay trong đại hội.
Trước khi phiên họp diễn ra, PVC đã bất ngờ thay đổi nội dung tài liệu họp ĐHĐCĐ với hàng loạt các báo cáo được viết lại vào ngày 14/12 (trước ngày diễn ra đại hội chỉ 1 ngày). Một chỉ tiêu đáng chú ý nhất là kế hoạch kinh doanh năm 2017 đã được thay đổi vào phút chót.
Theo tài liệu được công bố trước đó của PVC, tổng công ty đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 đạt 40 tỷ đồng - giảm 56% so với năm 2016. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về triển vọng kinh doanh của PVC khi so với kết quả đạt được tính đến thời điểm ngày 30/9/2017, PVC đang ghi nhận lỗ lũy kế hợp nhất gần 42 tỷ đồng.
Nói cách khác, trong quý IV/2017, PVC phải lãi đột biến 82 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch đề ra. Vấn đề này đã được hóa giải khi tài liệu phát cho cổ đông vào sáng 15/12, báo cáo Ban giám đốc của PVC về kế hoạch năm 2017 đã thay đổi. Kế hoạch doanh thu năm 2017 giảm một nửa còn 3.500 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều bị bỏ trống.
Phát biểu tại đại hội, ông Bùi Ngọc Thắng - Chủ tịch HĐQT PVC - cho biết, qua quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2017, việc triển khai thi công các công trình/dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và liên tục bị ảnh hưởng từ công tác thanh kiểm tra của các cơ quan pháp luật.
"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác tiếp thị, tìm kiếm việc làm của PVC chưa mang lại hiệu quả. Do đó kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 đã được xây dựng không phù hợp và không có khả năng hoàn thành được", Chủ tịch Bùi Ngọc Thắng trần tình.
Ông Bùi Ngọc Thắng cho biết, lợi nhuận trước thuế dự kiến từ đầu năm của công ty mẹ là 55 tỷ đồng, toàn tổ hợp là 67 tỷ trước thuế. Tuy nhiên, với việc sau khi điều chỉnh hợp đồng tổng thầu EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 một số khoản đã hạch toán trước đây chưa được cho phép dẫn đến việc tăng trích lập dự phòng riêng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đặc biệt là chi phí phân bổ từ các năm trước, qua đó ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận Tổng công ty.
Ngoài những yếu tố nêu trên, ông Thắng cũng khẳng định, hoạt động sản xuất trong báo cáo hợp nhất đều kém hơn so với năm 2016. Nguyên nhân đến từ việc chậm điều chỉnh hợp đồng ký với khách hàng, chậm thanh toán, dẫn đến hiệu quả hoạt động giảm.
Có nhiều công ty từng có lợi nhuận và cổ tức tốt, nhưng "trong năm nay không lỗ đã được coi là thành công", ông Thắng cho biết. Ông Thắng cũng khẳng định: “Các công ty con còn lại của PVC đa số đều hoạt động kém hiệu quả và không mang lại cổ tức".
Tìm lối thoát trong “vũng lầy”
Một tờ trình được chú ý trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của PVC 2017 là xin ý kiến ký kết Phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Liên quan đến dự án này, hàng loạt nhân sự cấp cao của PVN cũng như PVC đã bị khởi tố, bắt giam như ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); ông Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; ông Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Theo tờ trình của HĐQT PVC, tính đến ngày 30/11/2017, tổng thể thi công dự án đạt 81%, trong đó đã hoàn thành cơ bản công tác thiết kế (99,49%), mua sắm đã hoàn thành 135 gói thầu/hợp đồng. Đơn vị cũng đang lựa chọn nhà thầu, mua sắm đối với 20 gói thầu còn lại. Công tác chế tạo và vận chuyển thiết bị đạt 93% tuy nhiên thi công mới hoàn thành 74% khối lượng công việc.
Chủ tịch PVC Bùi Ngọc Thắng nhấn mạnh: "Với khối lượng thi công dở dang và công nợ phải trả nhà thầu đến thời điểm hiện tại thì việc điều chỉnh về giá, tiến độ hợp đồng EPC dự án là rất cấp thiết để đảm bảo nguồn lực cho PVC tiếp tục triển khai hoàn thành dự án".
PVN và PVC trước đó đã ký kết hợp đồng EPC với giá trị 1,2 tỷ USD theo hình thức trọn gói, quy đổi giá trị hợp đồng là 921 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Nay PVC đề xuất điều chỉnh hợp đồng từ trọn gói sang hợp đồng theo giá kết hợp (bao gồm phần trọn gói và phần giá điều chỉnh), ngoài ra tăng giá trị hợp đồng thêm 270 triệu USD so với ban đầu, tức tăng lên 1,47 tỷ USD. Tiến độ thực hiện hợp đồng cũng thay đổi, lùi thời gian vận hành thương mại Tổ máy 1 vào ngày 31/12/2018 và Tổ máy 2 vận hành vào 31/3/2019.
Tại ĐHĐCĐ, các cổ đông thông qua tất cả các tờ trình của PVC đã nêu, từ ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tái cơ cấu PVC giai đoạn 2016 – 2020; Lựa chọn công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2017; Thông qua quyết toán thù lao năm 2016 và phương án thù lao năm 2017 của HĐQT và BKS; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung điều lệ tổ chức và hoạt động của PVC...
Thương vụ lãi... 2 triệu đồng
Trong năm 2017, giữa hàng loạt những thông tin tiêu cực, một "điểm sáng" trong công tác thoái vốn của PVC được nhắc đến đó là thoái toàn bộ phần vốn góp tại công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD). PVC đã thu về 30,009 tỷ đồng trên tổng số 30,007 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu tại đây.
Nói cách khác, PVC đã lãi... 2 triệu đồng nhờ thoái vốn khỏi PVSD - "vũng lầy" gắn liền với tên tuổi ông Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng.
Nhìn lại thương vụ thành công này, nhà đầu tư không khỏi đặt ra nhiều băn khoăn khi các cổ đông mới của PVSD đã "hào phóng" trả giá cao gấp 3 lần thị giá cho cổ phiếu của PVSD trên thị trường. Đầu tháng 3/2017, PVC thông báo bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu của PVSD, tương ứng tỷ lệ sở hữu 26,99% công ty này cho ba cá nhân là ông Vũ Trọng Hùng, ông Nguyễn Danh Sơn và ông Phạm Văn Chức.
Cả ba cá nhân trên đều là những cổ đông nội bộ của PVSD tuy nhiên chỉ sở hữu vài chục cổ phiếu SDP. Phương thức giao dịch được lựa chọn là thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Điều đáng lưu ý, giá chuyển nhượng được ấn định 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá thị trường của cổ phiếu công ty PVSD chỉ ở mức 3.500 đồng - 4.000 đồng.