Thời gian gần đây, nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo nghị định điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô mà Bộ Công thương đang “trưng cầu dân ý”.
Giới chuyên gia cho rằng việc làm này là cần thiết vì khi đã mở cửa hội nhập với quốc tế thì không thể làm ăn kiểu nhỏ lẻ, manh mún như trước được nữa.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, TS. Hoàng Đình Minh (Giảng viên Đại học Bách Khoa) cho rằng, dưới góc độ quản lý của Nhà nước, nghị định trên ra đời sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý được tốt hơn và điều này cũng đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng.
“Khi đã mở cửa hội nhập thì chúng ta không thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nữa. Đã qua rồi cái thời khách mua xe nhập về rồi hỏng hóc khách hàng tự chịu, như vậy rất khó quản lý, khó đánh giá được thiệt hại và chắc chắn thiệt hại nhất vẫn sẽ là người tiêu dùng” – TS. Minh nói.
Theo TS. Minh, nghị định đưa ra là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu ô tô muốn tồn tại được thì phải làm bài bản và tử tế. Việc bảo hộ cho ngành ô tô phát triển mấy chục năm qua thực tế không thay đổi nhiều do vậy bắt buộc phải đưa ra điều kiện, nếu không đảm bảo được điều kiện thì doanh nghiệp sẽ tự bị đào thải.
Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam – Nguyễn Văn Thanh cũng bày tỏ sự đồng tình với dự thảo nói trên của Bộ Công thương và khẳng định doanh nghiệp nhập khẩu xe phải tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa mà họ bán ra.
Ông Thanh nhận định, trước hết đơn vị nhập khẩu phải được hãng sản xuất ô tô ủy nhiệm cho công tác bảo hành, bảo dưỡng và đương nhiên doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm đầu tư cơ sở bảo dưỡng, bảo hành.
Về điều kiện cơ sở bảo dưỡng, bảo hành phải có phần mềm thiết bị chẩn đoán được ủy quyền bởi nhà sản xuất. Ông Thanh cho rằng chính nhà sản xuất cũng rất mong muốn điều này, để công khai minh bạch, quảng bá và để kiểm soát được hàng hóa của họ sản xuất ra. Bên cạnh đó, phải có điều kiện để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch HH Vận tải ô tô Việt Nam, nên tập trung một số DN nhập khẩu chính hãng để làm cho bài bản còn hơn để “muôn hình vạn trạng” các nhà nhập khẩu gây lộn xộn.
“Tôi kêu gọi các nhà sản xuất ô tô có uy tín trên thế giới nên tập trung vào một số nhà nhập khẩu có uy tín, tự họ sẽ cạnh tranh nhau. Nhưng nhà nước không chỉ định, Nhà nước chỉ đưa điều kiện, DN đủ điều kiện đáp ứng được thì cho tiếp tục” – ông Thanh nói.
Được biết, dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nếu được Chính phủ thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
Thiên Di