Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với các bị can để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị can gồm: Vũ Bảo Trinh (47 tuổi), Tô Văn Chí Tâm, 37 tuổi, Giám đốc, đại diện pháp luật công ty TNHH Bất động sản Nam Thị và Hoàng Thái Anh, 48 tuổi, nguyên Giám đốc, đại diện pháp luật công ty TNHH Bất động sản Nam Thị.
Bước đầu cơ quan cảnh sát điều tra xác định, bằng nhiều thủ đoạn, chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu căn hộ, công ty Nam Thị đã bán 30 căn hộ ở chung cư La Bonita cho... 72 người, lừa đảo gần 200 tỷ đồng.
Vay tiền, cố tình thực hiện hàng loạt vụ kiện kéo dài nhằm chiếm đoạt tiền.
Năm 2010, công ty bất động sản Nam Thị đã ký kết hợp đồng tín dụng với công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam vay 95 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là toàn bộ khu đất tại số 6 - 8 đường D2 (nay là đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và tất cả tài sản hình thành trong tương lai.
Hợp đồng quy định rõ: Trong thời gian thế chấp không được sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận thế chấp (cụ thể là công ty Tài chính Cao su Việt Nam) thì bên thế chấp không được chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn hoặc dùng tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ khác.
Thế nhưng ban lãnh đạo công ty Nam Thị đã bày ra nhiều trò để né tránh nghĩa vụ trả nợ và tẩu tán tài sản đang do Nhà Nước quản lý thông qua hợp đồng tín chấp.
Sự hình thành của công ty Kiến Quân (công ty mẹ của tòa nhà La Bonita, sở hữu 100% vốn Nam Thị) và công ty Nam Thị (công ty con) để thực hiện dự án La Bonita được biết đến như một cách thức vay tiền từ công ty TNHH MTV Tài Chính Cao su Việt Nam (công ty Tài chính Cao su) thuộc Tập đoàn Cao Su Việt Nam (VRG).
Sau thời gian thua lỗ kéo dài, công ty tài chính Cao su Việt Nam chính thức bị xóa sổ, những món nợ cũ của công ty này được đưa về VRG và do phòng xử lý nợ nắm giữ.
Đáng lưu ý, thời điểm Nam Thị thực hiện hợp đồng vay tổng cộng 95 tỷ vào năm 2010, bằng việc cắm 6 cuốn sổ đất của dự án và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai của dự án, đã được đưa vào hệ thống ngân hàng quốc gia (nghĩa là bất cứ tổ chức tài chính nào cũng có thể tra cứu và biết rõ sự việc này, đồng nghĩa việc công ty Nam Thị không có khả năng vay nợ bằng hình thức thế chấp tài sản).
Đến giữa năm 2018, nợ gốc và lãi của công ty Nam Thị với VRG là hơn 240 tỷ (tính trung bình, mỗi tháng lại phát sinh dư nợ đối với Nhà nước là hơn 1 tỷ đồng).
Ngoài ra, lấy lý do Việt kiều không được đứng tên công ty, Vũ Bảo Trinh đã mượn người làm chỗ dựa cho những hoạt động ký kết hợp đồng, vay mượn…
Từ đó, những thủ đoạn vay mượn được sắp xếp nhằm làm giàu bất chính, chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng và hàng trăm khách hàng.
Lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản
Lấy lý do kêu gọi vốn vì khó khăn tài chính khi xây dựng tòa nhà trong lúc đang kiện cáo với công ty Tài chính Cao su. Từ năm 2013, Vũ Bảo Trinh chỉ đạo cho Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty Nam Thị ký hàng loạt hợp đồng “dụ dỗ” bạn bè đưa tài sản là nhà, đất và tiền cho chúng.
Ông Trần Trọng Trí hợp đồng mua bán căn hộ B3 - 08 (mã mới A4-10) tường thuật quá trình bị dụ dỗ ép mua căn hộ La Bonita trong đơn tố cáo gửi báo Người Đưa Tin:
"Ban đầu Vũ Bảo Trinh ngỏ ý muốn mượn tiền thời gian ngắn từ 3 đến 6 tháng sẽ hoàn vốn lại cho tôi, vì tin tưởng bà Trinh nên tôi cho mượn để góp phần thêm thu nhập và có chi phí đóng tiền học cho con.
Tuy nhiên từ khi tôi đưa tiền cho bà Trinh cho tới 3 tháng sau, bà ta hoàn toàn không trả bất kỳ chi phí nào, tiền lời lãi từ khoản tiền mượn của tôi.
Nhiều lần liên lạc, bà Trinh hứa hẹn khất lần khất lựa, thấy vậy tôi gia hạn cho bà ta thêm 3 tháng để thanh toán”, ông Trí khẳng định.
Sau khi tới thời hạn mà không thấy bà Trinh hoàn trả lại tiền, ông Trí lên công ty bà Trinh tại toà nhà 6 - 8 đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh".
Lúc này bà Trinh mới đề cập bán lại căn hộ cho ông Trí với suất ưu đãi giá chỉ 50% của giá trị thật ngoài thị trường (24 triệu đồng/m2). Lúc này, vào thế vì bà Trinh không có tiền hoàn trả cho mình, nên ông Trí đành phải mua căn hộ.
Sau đó bà Trinh cùng với Ông Hoàng Thái Anh (đại diện pháp lý công ty) lập phiếu thu 600 triệu đồng bằng tiền mặt. Khoảng 3 tháng sau, bà Trinh lại thu tiếp (có lập phiếu thu để chi trả vật tư xây dựng toà nhà).
Đến cuối tháng 5/2014, bà Trinh đề nghị tiếp tục đóng tiền, mục đích hoàn thiện toà nhà nhưng ông Trí hết khả năng đóng.
Bà Trinh liền đề nghị tạm thời lấy căn nhà 51/30/8 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM, đây là tài sản duy nhất và cũng là nguồn sinh sống của gia đình ông Trí để thế chấp cho ngân hàng EximBank, chi nhánh Tân Định (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM).
“Vì mắc nợ ngân hàng nên vợ tôi đã đơn phương viết đơn ly hôn, đến ngày 14/2/2020, tòa án đã chính thức gửi giấy ly hôn cho tôi”, ông Trí đau khổ.
Rất nhiều người là bạn bè, bà con của bà Vũ Bảo Trinh đã bị dụ dỗ bằng những thủ đoạn hứa hẹn như vậy. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay đều không được giao nhà tại La bonita mà bị lập mưu chiếm đoạt.
Thậm chí, có người còn mắc nợ, lâm vào cảnh sống dở chết dở vì bị lừa đảo.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật.