Loài cá biển vừa "tuyệt chủng do con người", có danh pháp khoa học Urolophus javanicus này thường được gọi là cá đuối gai độc Java hoặc cá đuối Java.
Loài này có kích thước khoảng bằng chiếc đĩa, lần đầu tiên được biết đến từ một mẫu vật ở chợ cá Jakarta vào năm 1862.
Cá đuối Java được cho là sống ở bờ phía bắc của biển Java, đặc biệt là vịnh Jakarta, Indonesia. Thế nhưng việc chịu ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến vùng biển này rơi vào tình trạng mất cân bằng và suy thoái môi trường sống nghiêm trọng. Những tác động này được đánh giá là "đủ nghiêm trọng tới mức không may gây ra sự tuyệt chủng cho loài này".
"Việc đánh bắt cá cường độ cao và không được kiểm soát có thể là mối đe dọa lớn dẫn đến sự suy giảm quần thể cá đuối Java", báo cáo từ IUCN cho biết.
Không chỉ cá đuối Java hay cá biển nói chung, mà sự suy giảm các loài thủy sinh ở tất cả các môi trường đang diễn ra theo đúng dự đoán của các nhà khoa học. Hàng loạt cá nước ngọt cũng "bấp bênh" bên bờ vực tuyệt chủng theo danh sách hiện hành.
Theo bản cập nhật, một phần tư trong số các loài cá nước ngọt hiện nay được phân loại là "có nguy cơ tuyệt chủng", với 20% bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu.
Tờ Science Alert dẫn lời bà Kathy Hughes, đồng Chủ tịch của Nhóm chuyên gia về Cá nước ngọt thuộc Ủy ban Sinh tồn loài (SSC) của IUCN cho biết cá nước ngọt hiện chiếm hơn một nửa số loài cá được biết đến trên thế giới, một sự đa dạng khó hiểu vì hệ sinh thái nước ngọt chỉ chiếm 1% môi trường sống dưới nước.
Những loài đa dạng này không thể thiếu đối với hệ sinh thái và rất quan trọng đối với khả năng phục hồi chung của hệ sinh thái đó, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị tuyệt chủng.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Người Lao Động)