Tranh giành lãnh địa
TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt, nên trở thành "miền đất hứa" của nhiều cư dân. Từ những năm 1975 của thế kỷ trước, Móng Cái phát triển nhanh nhờ làn sóng cư dân làm thuê và định cư. Sau năm 1991, sự trao đổi, mua bán qua cửa khẩu ngày càng tăng lên, góp phần làm thay da, đổi thịt vùng đất này. "Ngày trước, người dân nơi đây vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng xe Minks. Ngày nay có nhiều ông chủ đã tậu xe sang với các thương hiệu BMW, Mercedes, Audi (Đức); Acura, Camry, Fortuner (Nhật), Ford (Mỹ) nhan nhản trên các con phố. Những chiếc xe Rolls-Royce Phantom đầu rồng đi dạo qua phố đã không có gì là lạ với người dân nơi đây", một người dân Móng Cái cho hay.
Móng Cái phát triển nhanh chóng nhờ việc buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu là vải, quần áo may sẵn, chăn màn, giày dép, các đồ điện tử cao cấp, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả như táo, cam, lê, nho khô... Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là cao su sơ chế, hải sản tươi sống, tôm cá đông lạnh, nông sản phẩm như chè, cà phê, lạc, vừng, đậu... Tại cửa khẩu Móng Cái có chợ trung tâm, chợ 1, chợ 2, chợ 3, chợ 4. Ngoài ra, còn những chợ Togi bán lẻ hàng tiêu dùng, chợ Vinh Cơ bán buôn đồ điện tử và chợ đêm phục vụ khách du lịch.
Những mặt hàng này, có rất nhiều ông chủ và đầu nậu tham gia thu mua, gom hàng. Người nhiều tiền thì làm ông chủ lớn, ít vốn thì buôn nhỏ. Trong những mối quan hệ nhằng nhịt giữa các ông chủ là những cuộc cạnh tranh khốc liệt về kinh tế và "quyền lực ngầm".
Dưới trướng những ông chủ này, đều có đội ngũ làm thuê riêng. Chỉ cần nhìn vào số lượng cửu vạn làm thuê thì có thể đánh giá được mức độ làm ăn của các ông chủ đang ở ngưỡng nào. Được biết, có những ông chủ "sở hữu" hàng trăm cửu vạn chuyên chở hàng. Dù làm buôn lớn hay nhỏ nhưng giữa những ông chủ buôn hàng ở vùng biên này có quy ước về địa bàn hoạt động, lĩnh vực buôn bán riêng, không ai được xâm phạm ai. Tuy nhiên, giữa họ luôn luôn đề phòng, cạnh tranh, giành giật lãnh địa lẫn nhau. Chỉ cần khi nào giữa họ xảy ra mâu thuẫn mà không thể giải quyết bằng cách giải hòa thì tất nhiên họ phải dùng đến "luật rừng", khi đó, đội ngũ cửu vạn cũng chính là “lính đánh thuê” cho các ông chủ.
Cửu vạn kiêm "lính đánh thuê" cho chủ hàng (ảnh minh họa).
Được biết, từ bên kia sông Ka Long (phía Trung Quốc) qua bờ bên này (Việt Nam) có những cái danh bảo kê lãnh địa của những ông chủ hàng sặc mùi giang hồ như: "Ngã tư ông Liềng", "cổ Ngỗng", "ông Nho", "bến Z1"... Mỗi một ông chủ có một lãnh địa riêng, mặt hàng buôn bán riêng, quản lý đội quân làm thuê riêng. Hiện nay, có nhiều ông chủ buôn bán ở vùng biên này đã tinh quái với những chiêu bài hợp thức hóa bằng vỏ bọc “doanh nghiệp”. Tuy nhiên giữa các "doanh nghiệp" này, người chủ đãä dùng những thủ đoạn cạnh tranh, giành giật lãnh địa tinh vi hơn, nhưng bản chất vẫn là "giẫm đạp lên nhau mà sống".
Trung "Tồ" - một tay cửu vạn cho ông chủ chuyên kinh doanh hàng điện tử tại chợ Vinh Cơ cho hay: Do sự kiểm soát gắt gao của lực lượng liên ngành ở hai nước, những băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp hoạt động nhưng vẫn có những nhóm lưu manh tụ tập, núp bóng “doanh nghiệp” để bảo kê lãnh địa buôn lậu. Chúng làm ăn theo kiểu chèn ép, độc quyền, cấm đoán, giành giật các mối hàng, nếu các nhà buôn không nghe theo thì chúng sẽ dùng vũ lực. Những "thế lực ngầm" này vẫn thường xuyên giành giật địa bàn. Có thể nói đến các nhóm thu mua nông phẩm, hải sản... Đặc biệt là nhóm bốc vác thuê thường xuyên có những trận giành giật "miếng ăn" bằng máu.
Kiêm "lính đánh thuê"
Cửu vạn ở đất Móng Cái là tập hợp của nhiều thành phần phức tạp. Từ những đối tượng cộm cán, giang hồ đến những lao động ở vùng quê nghèo. Được biết, nhiều ông chủ muốn tạo thanh thế nên đã chọn những tay cửu vạn có máu liều để phục vụ công việc buôn bán hàng lậu. Ông chủ nào có trong tay nhiều chân hàng đắc lực sẽ không sợ các nhóm khác uy hiếp.
Đối với mỗi lao động khi bước chân đến đây làm ăn cũng phải thông thuộc những quy tắc "luật bất thành văn": Bảo vệ hàng chính là bảo vệ quyền lợi của họ. Chính vì vậy, một số ông chủ đã gắn trách nhiệm của cửu vạn vào số hàng. Ai làm mất hàng người đó sẽ bị trừ tiền công. Mỗi cửu vạn trung bình thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mỗi thùng hàng điện tử có giá hàng chục triệu đồng. Vì vậy, chỉ cần để mất một thùng hàng thì làm mấy tháng không đủ tiền trả cho ông chủ. Do đó, họ sẵn sàng bảo vệ hàng bằng mọi giá.
Cửa khẩu Ka Long, Lục Lầm - hai cửa chính tại Móng Cái, thường ngày có trên 2.000 thuyền đò của cư dân hoạt động liên tục. Thời gian nào không cấm biên, khi đêm xuống, trên những con sông nối đôi bờ, một bên là Trung Quốc, một bên là Việt Nam diễn ra cảnh chở hàng tấp nập. Thỉnh thoảng trên những khúc sông ấy lại xảy ra những vụ tranh cướp hàng đẫm máu. Người dân Móng Cái vẫn đồn đại nhau rằng, những trận giao tranh lên đến hàng trăm cửu vạn tham gia và năm nào cũng có.
Nhờ có quan hệ với Quân "pro" - một cửu vạn lâu năm ở Móng Cái, tôi đã được anh dẫn đến nhà trọ của "cánh" cửu vạn trên phường Ka Long. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trong những căn phòng ấy có rất nhiều dao, kiếm, phớ đặt dưới gầm giường, dưới gối. Trong người họ, lúc nào cũng "thủ" sẵn đôi côn nhị khúc, thậm chí kiếm còn dùng để thái thịt. Quân "pro" cho hay: "Bọn anh lúc nào cũng phải thủ sẵn “đồ”, phòng khi đi hàng bị các nhóm khác cướp còn có vũ khí chống trả. Khi nào ông chủ gọi là lại lăm lăm vũ khí "xông trận". Mỗi khi bị nhóm khác cướp hàng thì cả đội sẵn sàng huyết chiến, quyết đòi lại hàng bằng được. Thà mất mạng chứ không thể để mất hàng".
Những người làm nghề cửu vạn ở bến Lục Lầm vẫn nhắc đến một “anh lính” làm thuê "cừ" nhất xóm đò hàng. Họ mệnh danh anh là Phương "lầm lì". Theo những người dân nơi đây, Phương "lầm lì" chuyên lái đò thuê cho một ông chủ buôn quần áo trên bến sông này. Trong một lần chuyển hàng qua sông Phương "lầm lì" bị một nhóm cướp, cướp hàng. Thấy nhóm người lạ mặt áp sát và vây kín xung quanh, Phương biết chắc chắn đó là bọn chuyên cướp hàng. Ngay lập tức, Phương rút côn nhị khúc chống lại. Thấy mấy người bị đánh bị thương, cả bọn hoang mang, nhanh chóng nhảy xuống sông chạy thoát thân.
Một trường hợp khác là anh Tuấn, quê ở Kiến An, Hải Phòng bị nhóm cướp tấn công đẫm máu. Trong một lần chở hàng qua sông Ka Long, Tuấn đã bị một toán cửu vạn khác cướp hàng. Một mình Tuấn đã chống lại gần chục tên cướp lăm lăm dao kiếm lao vào đâm chém, hòng cướp đò hàng. Chúng đã chém Tuấn mấy nhát vào tay, lưng. Tuấn nhanh chân nhảy xuống sông và bơi vào bờ. Vụ việc xảy ra vào lúc rạng sáng, khi Tuấn chạy đến bệnh viện gần đó thì máu đã thấm ướt cả áo và ngất trước cổng bệnh viện. Khi ra viện, Tuấn xách ba lô về quê và giã từ nghề cửu vạn ở vùng biên này.
Trước đây, trên những cung đường từ Móng Cái tỏa về các tỉnh, thành cũng thường xuyên xảy ra các vụ cướp xe hàng. Chính vì vậy, những cửu vạn đường trường này luôn được trang bị vũ khí như dao, kiếm... Khi bị cướp hàng, họ sẵn sàng "xử lý". Mọi thiệt hại sẽ được ông chủ đền bù.
Hoàn cảnh xô đẩy thành "lính đánh thuê" Những người lao động vốn có bản tính hiền lành, nhưng khi dấn thân vào con đường làm nghề cửu vạn vùng biên đã bị hoàn cảnh xô đẩy và có người đã thay đổi bản tính. Họå đã trở thành những "lính đánh thuê" liều lĩnh và hung dữ để có thể tồn tại ở "miền đất hứa" nghiệt ngã. |
Thế Hoàng