Video: Club F3 bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ma túy.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, thực hiện mệnh lệnh của giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, khoảng 0h30 ngày 3/5, Công an quận Hải Châu tổ chức ra quân kiểm tra Club F3. Khi kiểm tra, quán này vẫn đang hoạt động, có nhiều người đang “nhảy nhót” và uống rượu, bia.
Qua kiểm tra, công an phát hiện, 1 nhân viên dưới 18 tuổi, 20 nhân viên không xuất trình được giấy tờ tùy thân, 4 bình chữa cháy không đảm bảo theo quy định, 90 chai rượu các loại, chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ, 29 dụng cụ sử dụng Shisha không rõ nguồn gốc, 7 phong bì niêm phong nghi vấn ma túy.
Đặc biệt, qua test nhanh, có 80 người dương tính với ma túy. Sau đó, cơ quan chức năng đã mời tất cả các đối tượng, tang vật về trụ sở làm việc.
Ngay sau khi phản ánh thông tin, rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, quán bar, chủ quán bar Club F3 sẽ bị xử lý như thế nào trước những sai phạm vừa bị phát hiện.
Liên quan vấn đề này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, công ty Luật FDVN, cho biết, theo thông tin từ cơ quan công an thì có 80 người dương tính ma túy khi được tiến hành kiểm tra.
Như vậy, xác định trách nhiệm của chủ quán khi xảy ra tình trạng khách sử dụng ma túy thì phải xác định rõ, 80 người này sử dụng ma túy ngoài quán hay vào trong quán mới sử dụng. Nếu sử dụng bên ngoài quán thì chủ quán không bị chịu trách nhiệm. Nếu khách đến quán, sử dụng ma túy nhưng chủ quán không biết thì chủ quán có thể bị xử phạt hành chính vì để người khác lợi dụng sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực mình quản lý. Trường hợp này, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với số tiền phạt có thể lên tới 10 triệu đồng
Tuy nhiên, nếu chủ quán biết việc khách hàng sử dụng ma túy mà không có động thái ngăn cản, từ chối phục vụ để khách hàng dùng địa điểm quán bar cho việc sử dụng ma túy, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng ma túy, thì có dấu hiệu của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có thể bị phạt lên đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo vị chuyên gia pháp lý, đối với vấn đề sử dụng lao động dưới 18 tuổi, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Như vậy, chủ quán Bar đang sử dụng người động chưa thành niên và theo quy định tại Điều 165 Bộ Luật lao động 2012 về các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên thì quán bar, vũ trường không được phép sử dụng người lao động chưa thành niên.
Do đó, trong trường hợp này, chủ quán bar có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, với số tiền lên đến 25 triệu đồng.
Sau cùng, trong trường hợp chủ quán bar không cung cấp được hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP với số tiền phạt lên đến 15 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa bị vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn có thể áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đó là tịch thu tang vật; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu trong trường hợp phát hiện, quán bar kinh doanh rượu nhưng không có giấy phép kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2015, với số tiền lên đến 10 triệu đồng.