Khi nhắc đến cà phê vợt, người Sài Gòn sẽ nghĩ ngay đến quán cà phê Cheo Leo của cụ Vĩnh Ngô bởi cụ chính là người lập nên quán và cũng là quán cà phê vợt lâu đời nhất trên đất Sài Gòn.
Nổi tiếng một thời đất Sài Gòn
Ngay nay, người ta thường quen với cà phê pha phin hay cà phê ngoại nhập mà ít ai biết đến nơi con hẻm nhỏ Sài Gòn chỉ với một chiếc vợt vải và một siêu đất - những dụng cụ đơn giản nhưng lại cho ra một ly cà phê vợt đậm đà mang hương vị đúng chất Sài Gòn xa xưa. Đây là một thức uống quen thuộc với bậc trung niên, người lớn tuổi nhưng khá lạ lẫm với những người trẻ.
Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút tại con hẻm 109, đường Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM), quán cà phê vợt mang tên Cheo Leo với những bộ bàn ghế đơn giản cùng những dòng nhạc trữ tình phát ra du dương tạo cho quán một không gian mang đậm chất xưa cũ.
Mang tên nghe là lạ bởi do chính con hẻm nhỏ lúc trước rất ít người sinh sống, nhà cửa thưa thớt nên chủ quán, cụ Vĩnh Ngô đành lấy cái tên Cheo Leo.
Do bối cảnh lúc đó nên đặt tên như vậy chứ không hề nghĩ cái tên đó đẹp hay xấu. Thế nhưng có lẽ chính cái tên ấy làm cho những người trung niên, lớn tuổi đến quán mà nhớ về những kỷ niệm nơi con hẻm ngày xa xưa.
Vào năm 1938, vì cái tính thích đi đó đây và cái duyên cụ Vĩnh Ngô đã học cách pha chế rồi về mở quán cà phê vợt tại ngôi nhà nhỏ của mình mang tên Cheo Leo. Đến những năm gần giải phóng thì khắp Sài Gòn, ai ai cũng uống cà phê vợt.
Dần dần cái tên Cheo Leo được biết đến là quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn hay địa điểm tụ họp của các học sinh trường Petrus Ký, Chu Văn An,… Đây cũng là nơi hay lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời của Sài Gòn.
Cụ Vĩnh Ngô (người gốc Huế), xa quê hương lên Sài Gòn (lúc đó có tên gọi là Gia Định) rồi lập gia đình với một người phụ nữ quê ở Đồng Tháp, có được chín người con.
Ngày nay, người tiếp tục nối quán cà phê vợt Che Leo là ba chị em cô Sương, cô Tuyết và cô Sáu sau khi cụ Vĩnh Ngô mất vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Hằng ngày, công việc của cả ba chị em bắt đầu từ 5 giờ 30 đến 19 giờ tối.
‘Vợt’ cần sự khéo léo, tỉ mỉ
Được biết, lúc đầu khi mới xây dựng quán, cụ Vĩnh Ngô tự làm ra một lò nung từ thùng phi, gạch pha với đường cát vàng để đun nước.
Và dụng cụ để đựng và không những giữ nóng mà còn giữ mùi hương cho cà phê là một chiếc siêu bằng đất sét (loại siêu sắc thuốc bắc) bên trên là một chiếc vợt vải chỉ cần đổ nước sôi vào là sẽ cho ra một ly cà phê khi có người khách yêu cầu.
Điều khó nhất để tạo ra một ly cà phê vợt đậm đà hương vị là phải trải qua rất nhiều công đoạn bởi để có được độ đậm thì thì người pha thường phải luôn ngâm cả cà phê trong nước sôi cho đến lúc mang ra để khách nhâm nhi.
Không những thế thành phần quan trọng và cần chuẩn bị kĩ lưỡng nhất để chế biến một ly cà phê vợt thật ngon không phải là cà phê mà là nước.
Nước thủy cục (nước máy) có mùi, rất dễ làm thay đổi hương vị của ly cà phê. Chính vì thế, nước dùng để pha cà phê phải để từ một đến hai ngày cho lắng cặn và bớt mùi rồi mới sử dụng.
Có thể cũng chính vì những công đoạn vô cùng khéo lèo và tỉ mỉ của ba chị em nhà cụ Ngô nên đến nay mùi vị đặc trưng riêng của cà phê vợt vẫn còn được gìn giữ và kế nghiệp.
Nhiều người khi đến quán thử một ly cà phê vợt đều phải tới tấp khen ngon hay những người khách quen của quán vẫn luôn ghé đến bởi họ quen với mùi vị của quán.
Sự nhiệt tình của người chủ quán hòa cùng không gian tại quán Cheo Leo như làm cho họ cảm thấy nhớ về Sài Gòn xa xưa, những bản nhạc bất hủ, bản nhạc nước ngoài cách đây vài thập kỷ.
Có lẽ quán cà phê vợt Cheo Leo đã trở thành một ngôi nhà quen thuộc của các bậc trung niên, lớn tuổi bởi chính ly cà phê vợt luôn mang những kỉ niệm thời thơ ấu của họ.
Khách tới quán đa phần là khách quen. Họ đến với quán không chỉ thưởng thức cà phê mà còn gợi nhớ ký ức gắn với Sài Gòn xưa, hay những câu chuyện mà ly cà phê được pha chế bằng vợt – một thức uống gắn bó với người Sài Gòn xưa.
Ngọc Nhiên