Những ngày qua, "Xôi Lạc TV" đang giải toả "cơn khát" mang tính thời điểm cho những người dân muốn theo dõi U23 Việt Nam tại ASIAD 18. Thậm chí, bình luận viên của "Xôi Lạc TV" còn phát đi thông báo: “Xôi Lạc sẽ trực tiếp toàn bộ các trận đấu của U23 Việt Nam và tất cả các môn thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18”.
Tuy nhiên, trước sự việc phát "lậu" các trận đấu tại ASIAD 18 của "Xôi Lạc TV", theo các chuyên gia pháp lý, đơn vị hoặc cá nhân này đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, luật sư Hà Trọng Đại – công ty luật The Light (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Liên quan đến hành vi phát "lậu" các chương trình bóng đá, chưa được phép của đơn vị có thẩm quyền thì những người thực hiện hành vi phát lậu đó sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15, Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Theo đó, Điều 15, Nghị Định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm sẽ bị: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Luật sư Đại cho biết thêm, biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là: “Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, Điều này”.
Tiếp đến, Điều 17. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng quy định:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
“Trong trường hợp này là phát lậu trực tiếp nên có thể áp dụng mức phạt lên đến 30 triệu đồng”, luật sư Đại cho biết.
Cũng theo luật sư Đại, trong trường hợp nếu xác định được việc thu lợi bất chính từ hành vi phát lậu bóng đá hoặc gây thiệt hại cho đơn vị có quyền sở hữu thì có thể bị áp dụng các hình thức sau: “1. Chấm dứt hành vi xâm phạm; 2. Xin lỗi, cải chính công khai; 3. Thực hiện nghĩa vụ dân sự; 4. Bồi thường thiệt hại”.
Ngoài các biện pháp hành chính, luật sư Đại còn cho biết thêm: Pháp luật Việt Nam còn quy định các biện pháp dân sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ tại Điều 202, luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, chủ thể quyền có thể khởi kiện website đó do có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp dân sự có thể dẫn đến các hậu quả như sau: Chấm dứt hành vi xâm phạm; Bồi thường thiệt hại; Buộc tháo gỡ các trương trình đã phát lậu.
Chuyên gia pháp lý Đinh Trần Nhật Minh – công ty luật Themis (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Đầu tiền, cần xác định và đánh giá rằng, việc những người điều hành "Xoilac TV" tổ chức livestream, phát sóng trái phép các trận đấu, chương trình tại ASIAD 2018 có hành vi xâm phạm quyền tác giả của của đơn vị sở hữu quyền phát sóng đối với ASIAD 2018 theo Công ước Bern.
Tại Việt Nam, hành vi "truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả" là hành vi xâm phạm quyền tác giả, được quy định cụ thể tại khoản 10, Điều 28 - luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm của "Xoilac TV", đơn vị nắm giữ bản quyền có thể tiến hành khởi kiện một vụ án dân sự đối với "Xoilac TV", đồng thời yêu cầu cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như cấm "Xoilac TV" tiếp tục phát sóng trái phép các chương trình tại ASIAD 2018.
Trong một vụ kiện dân sự, thông thường, bên nguyên đơn (đơn vị nắm giữ bản quyền) sẽ tiến hành khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn thường trú. Trong vấn đề này, cần xác định, cá nhân hay tổ chức nào đang sở hữu tên miền "Xoilac TV" cũng như thực hiện hành vi phát sóng trái phép để làm căn cứ, cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
“Ngoài ra, việc phát sóng của "Xoilac TV" được thực hiện trên không gian mạng internet, không chỉ giới hạn ở lãnh thổ Việt Nam nhưng theo quan điển của tôi, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn có thể và cần thiết phải áp dụng những biện pháp kỹ thuật để hạn chế việc người sử dụng tại Việt Nam tiếp xúc với những chương trình phát sóng trái phép của "Xoilac TV”, luật sư Minh nêu quan điểm.
Đối với việc các cá nhân Việt Nam sử dụng "Xoilac TV" để theo dõi các trận đấu được phát sóng trái phép không vì mục đích thương mại, không có quy định pháp luật nào được áp dụng để tiến hành xử phạt.
Tuy nhiên, luật sư Minh cũng nói thêm: Trong trường hợp các quán cafe, hoặc các tụ điểm kinh doanh tổ chức phát sóng lại chương trình phát sóng của Xoilac TV thì cũng có thể bị coi là xâm phạm quyền phát sóng theo quy định tại Điều 28, luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. “Đối với hành vi này, chủ của các quán cafe, tụ điểm kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính từ 70 tới 100 triệu đồng; tùy mức độ và hành vi vi phạm”, luật sư Minh nói.